Khi gặp bất cứ vấn đề nào trẻ thường hay hỏi “Tại sao?”. Và đôi lúc cha mẹ thường hay mắng “Sao lúc nào con cũng hỏi thế?”. Vậy, khi trẻ hay hỏi tại sao thì bố mẹ nên làm gì? Hãy đọc bài viết mà Wedo – wegood chia sẻ dưới đây nhé!
1. Trẻ ở độ tuổi nào hay hỏi
Từ hai tuổi rưỡi trở lên là trẻ đã bắt đầu có những câu hỏi về thế giới xung quanh để chúng tích lũy những kiến thức và tìm hiểu. Đôi khi những câu hỏi này khiến cho các cha mẹ “bối rối” bởi chính độ khó và vô tư của trẻ.
Khi được đi học chắc chắn trẻ có những cách thức hỏi và kỹ năng hỏi tốt hơn, câu hỏi của chúng trở nên rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
2. Những chủ đề kích thích trí tò mò của trẻ nhiều nhất
Trẻ ít tuổi thì thường hay đặt các câu hỏi liên quan đến môi trường sống như: Cái cây này sống thế nào? Tại sao lá cây màu vàng? Tại sao mẹ phải đi làm?…
Chúng khám phá cuộc sống xung quanh thông qua những câu hỏi và chính bố mẹ là người dạy con về tất cả các kỹ năng sống thông qua những câu trả lời và hướng dẫn trẻ quan sát. Bố mẹ có thể dạy con quan sát kỹ khi hỏi, cách trình bày câu hỏi ra sao để mọi người hiểu được ý của con.
Những câu hỏi ấy đến một cách tự nhiên, vào thời điểm hiện tại, tức là vào lúc trẻ hỏi. Đôi khi những câu hỏi ấy ngộ nghĩnh, gây ngạc nhiên. Nhưng cha mẹ đừng vội cười hoặc phê bình trẻ vì như thế khiến cho trẻ không dám hỏi, chúng sẽ nghĩ chúng luôn sai và dần mất đi sự tự tin.
3. Có cần trả lời tất cả những câu hỏi của trẻ?
Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể trả lời tất cả các câu hỏi của trẻ. Khi đó đừng vội gạt đi hay mắng vì con hay hỏi chúng sẽ có cảm giác bị bố mẹ bỏ rơi, mình hay hỏi vớ vẩn và sau này chúng không dám hỏi bất cứ điều gì nữa. Thay vì đó, nếu có bận hoặc chưa biết kiến thức gì để trả lời con bố mẹ có thể cùng con tìm hiểu hoặc nói bố mẹ sẽ trả lời con vào khi nào.
Có nhiều cha mẹ không biết thường hay nói bịa hoặc lảng tránh. Đây là cách khiến trẻ dễ có những cảm xúc tiêu cực với bố mẹ khi chúng biết bố mẹ nói dối hoặc không để ý đến những gì chúng nói.
4. Khuyến khích con sử dụng não bộ và nói chính kiến
Nếu thông thường khi trẻ hỏi thì cha mẹ sẽ trả lời ngay. Đừng nên vội vàng như thế vì sẽ khiến trẻ thụ động và ì. Gặp bất cứ vấn đề gì chúng sẵn sàng hỏi mà chưa cần suy nghĩ hay thử xem bản thân mình có giải quyết được không
.Khi trẻ hỏi bố mẹ hãy hỏi ngược lại “Nếu là con thì con sẽ làm như thế nào?” hay “Ý kiến của con thì sao?”. Phải khuyến khích trẻ nghĩ và đưa ra quan điểm của bản thân mình kể cả sai rồi sau đó bố mẹ mới phân tích và đưa ra cho trẻ câu trả lời.