Tạp chí Wedo Wegood số 05

CHIA SẺ HỌC TẬP

Ứng dụng sơ đồ tư duy trong học tập

Trước kia, Thanh Nga cảm thấy rất sợ học các kiến thức lý thuyết do chúng rất dài và khó ghi nhớ. Tuy nhiên, bây giờ suy nghĩ đó của mình đã thay đổi. Từ khi biết đến và ứng dụng sơ đồ tư duy trong học tập, mình cảm thấy việc học trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn. Hãy cùng mình khám phá phương pháp này nhé.

Sơ đồ tư duy còn được gọi bằng tên tiếng anh là MindMap, có nghĩa là sử dụng bản đồ kỹ thuật để thu thập thông tin dưới dạng cây. Vẽ sơ đồ tư duy trong học tập là một quá trình liên quan đến sự kết hợp khác nhau của hình ảnh, màu sắc và sự sắp xếp không gian – thị giác. Sơ đồ tư duy giúp chúng mình ghi nhớ các kiến thức nhanh, dễ dàng hơn, đồng thời chúng mình lại được thỏa sức thể hiện sự sáng tạo nữa đó.

Các bạn hãy cùng mình tìm hiểu các bước để vẽ sơ đồ tư duy nhé!

Bước 1: Tạo ý tưởng trung tâm

Ý tưởng trung tâm là điểm khởi đầu trong việc vẽ sơ đồ tư duy và tượng trưng cho chủ đề mà bạn sẽ khám phá. Các bạn nên để ý tưởng trung tâm ở giữa trang và nên bao gồm một hình ảnh đại diện cho chủ đề của sơ đồ tư duy nhé. Điều này thu hút sự chú ý và gây ra các mối liên quan, vì não của chúng mình đáp ứng tốt hơn với kích thích thị giác.

Bước 2: Thêm nhánh từ gốc đã tạo

Các nhánh này sẽ đi từ trung tâm vươn ra và không bị hạn chế về số lượng ý tưởng. Các nhánh này mang ý nghĩa khai thác từng khía cạnh, ý tưởng của vấn đề trung tâm.

Bước 3: Tìm keyword

Việc sử dụng các từ khóa kích hoạt các kết nối trong não của chúng ta và giúp chúng ta ghi nhớ được một lượng lớn thông tin.

Bước 4: Thêm màu sắc cho các nhánh

Màu sắc sẽ làm cho sơ đồ của chúng ta hấp dẫn hơn, đồng thời giúp chúng ta dễ ghi nhớ hơn. Các bạn hãy chọn mỗi một nhánh là một màu chủ đạo nhé!

Bước 5: Thêm hình ảnh

Hình ảnh có khả năng truyền tải nhiều thông tin nhiều hơn từ, câu. Chúng được xử lý ngay lập tức bởi bộ não và hoạt động như những kích thích thị giác để thu hồi thông tin. Hình ảnh là một ngôn ngữ phổ quát nhất và giúp chúng ta ghi nhớ thông tin rất nhanh.

Các bạn hãy cùng chiêm ngưỡng một số sơ đồ tư duy của mình nhé!

Mình đã ứng dụng và thành công. Các bạn hãy thử áp dụng và chia sẻ với mình nhé. Chúc các bạn thành công!

Phóng viên Trần Thanh Nga lớp K76kids (3-5)

TỰ TIN LÀM CHỦ BẢN THÂN

Làm chủ bản thân trong giao tiếp

Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cuộc đời mỗi người, là chìa khóa đi đến thành công và hạnh phúc. Vì vậy, mỗi người cần có kỹ năng giao tiếp khéo léo, ứng xử hiệu quả trong các tình huống của cuộc sống và xã hội.

Trước khi học ở Wedo – Wegood, Khánh là người kiểm soát cảm xúc kém, dẫn đến một số hành động không đúng làm bố mẹ và thầy cô phải phiền lòng. Tuy nhiên, khi đến Wedo, mình đã tìm ra được một số cách để làm chủ cảm xúc bản thân và giao tiếp với mọi người tốt hơn. Hãy cùng mình tìm hiểu một số cách làm chủ cảm xúc của bản thân trong giao tiếp các bạn nhé.

Trong những tình huống giao tiếp cụ thể, chúng ta có thể phát sinh những trạng thái cảm xúc khác nhau, đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Cảm xúc ảnh hưởng rất rõ đến hành vi, ứng xử của mỗi chúng ta trong giao tiếp. Vì vậy, nếu chúng ta biết làm chủ cảm xúc thì sẽ tránh được những thái độ, hành vi làm tổn thương người khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân, đến hiệu quả giao tiếp và đến mối quan hệ của chúng ta với mọi người.

Sau đây, mình xin chia sẻ với các bạn một số cách mình đã áp dụng để làm chủ cảm xúc tốt hơn nhé!

  1. Khi những cử chỉ, lời nói, thái độ của người khác gây cho chúng ta cảm xúc tiêu cực, bạn hãy dừng lại một chút, đừng phản ứng ngay với biểu hiện đó. Thời gian dừng đó sẽ giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua “sốc” ban đầu, bình tĩnh hơn để ứng xử thông minh hơn, có lợi cho bạn hơn.
  2. Nếu có thể, bạn hãy tách khỏi không gian giao tiếp, đến nơi khác, thở sâu một vài nhịp, nếu được, hãy uống một cốc nước mát để “hạ nhiệt”.
  3. Nếu không thể tách khỏi không gian giao tiếp, hãy sử dụng thông điệp “Tớ/ con…” để nói với đối tượng giao tiếp cảm xúc lúc đó của bạn. Ví dụ: “Tớ cảm thấy rất thất vọng khi cậu có những lời nói như vậy”…
  4. Sử dụng tư duy tích cực: chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và thông cảm cho những cử chỉ, lời nói, thái độ của người đó, nghĩ ít về bản thân để ít thấy mình không được tôn trọng, thấy mình bị thiệt thòi…
  5. Trong những cuộc giao tiếp quan trọng, chúng ta thường mong muốn thể hiện mình trong giao tiếp thật hoàn hảo nên sẽ làm cho chúng ta hồi hộp, lo lắng, căng thẳng. Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả giao tiếp. Hãy nghĩ rằng có thể mình sẽ có những sai sót trong giao tiếp, nhưng đó là điều bình thường, mình có thể chấp nhận điều đó. Cách nghĩ như vậy làm chúng ta thoải mái, không bị áp lực, bạn sẽ giao tiếp một cách thông minh, hợp lý, hiệu quả.

Mình đã và đang ứng dụng các bí quyết này để giao tiếp hiệu quả và thành công hơn. Các bạn hãy áp dụng cùng mình và chia sẻ kết quả nhé!

Phóng viên Lê Duy Khánh – K71kids (3-5)

AN TOÀN BẢN THÂN

Tìm hiểu để phòng chống xâm hại tình dục

Thời gian vừa qua cụm từ “xâm hại tình dục trẻ em” đang xuất hiện rất nhiều trên các trang báo như lời cảnh báo về vấn nạn này. Vậy, xâm hại tình dục trẻ em là gì, làm thế nào để phòng chống vấn nạn xâm hại tình dục … hãy cùng Đức Đạt tìm hiểu nhé.

1. Khái niệm:

Xâm hại tình dục trẻ em là mọi hành vi lôi kéo trẻ vào các hoạt động liên quan đến tình dục mà trẻ không đủ khả năng, không hiểu hoặc không đủ tâm thế để đưa ra các quyết định đối với các hành vi này.

2. Nạn nhân:

Nạn nhân bao gồm cả bé trai và bé gái. Theo thống kê, cứ 4 bé gái thì 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé nam thì một bé bị xâm hại tình dục. Đây là một bạn số đáng báo động về vấn nạn này.

3. Thủ phạm:

Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể là bất cứ ai, bao gồm cả nam giới và nữ giới, thuộc mọi nghề nghiệp, lứa tuổi, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, quốc gia khác nhau…. Đặc biệt, 93 % thủ phạm là người quen của nạn nhân, 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình của bạn nhân

4. Hình thức xâm hại:

Hiện tại, xâm hại tình dục ở trẻ em có 2 hình thức chính

  • Hình thức xâm hại tình dục có động chạm: Là các hành vi sờ, động chạm vào các bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ, quan hệ tình dục
  • Hình thức xâm hại tình dục không động chạm: Người xấu nhìn vào bộ phận riêng tư, xem các hình ảnh và tranh ăn mặc hở hang ,bắt cởi quần áo trước mặt họ…

5. Thủ đoạn xâm hại tình dục:

Thủ phạm thường dùng các thủ đoạn khác nhau để tiếp cận trẻ như cho trẻ tiền, mua đồ chơi cho trẻ, cho trẻ đi chơi…. Tuy nhiên, các bước để thực hiện thủ đoạn của thủ phạm bao gồm

6. Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn xâm hại tình dục:

– Nhận diện những hành vi được cho là xâm hại:

Hiện tại, các bạn nhỏ chỉ hiểu xâm hại tình dục là quan hệ tình dục chứ chưa nắm bắt được các hình thức xâm hại khác như: xem ảnh, video, sờ mó vào các bộ phận riêng tư…Vì vậy chúng ta cấn nắm bắt được chi tiết các hành vi xâm hại tình dục để phòng tránh, cảnh giác.

– Tìm hiểu về giới tính:

Muốn bảo vệ được bản thân, bạn cần phân biệt được sự khác biệt  giữa bạn trai và bạn gái, về những nơi được gọi là “vùng riêng tư”… để bạn trẻ hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ “vùng riêng tư ấy” bằng cách không cho ai động, chạm vào vùng riêng tư của mình, có sự phản kháng mạnh mẽ khi ai đó cố tình động chạm vào “vùng riêng tư”. Việc bạn hiểu về giới tính của mình cũng là cách giúp cho bạn có những kỹ năng chống lại việc xâm hại tình dục.

– Tìm hiểu các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục:

Ngoài việc hiểu rõ về giới tính cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân thì bạn cũng cần

  • Không chơi một mình ở những nơi vắng vẻ
  • Không nhận đồ ăn, đồ uống, tiền hay quà…mà người lạ cho
  • Không cho người lạ (thậm chí là người thân) vào nhà khi chỉ ở nhà một mình
  • Không sang nhà hàng xóm chơi khi chỉ có 1 người ở nhà hay chưa có sự cho phép của cha mẹ
  • Hướng dẫn bạn ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ hay những số điện thoại khẩn cấp  để trẻ có thể sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp

– Quy tắc quần lót và quy tắc bàn tay

Quy tắc quần lót (Pants rules)

P = Private (Riêng tư): Không ai có thể nhìn hay chạm vào vùng riêng tư của bé trừ bố mẹ, bác sĩ. Trong đó bác sĩ cần phải mặc đồng phục và khám trong giờ chữa bệnh

A – Always remember your body belongs to you: Cơ thể bạn là của chính bạn, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể của bạn mà khiến bạn khó chịu

N – No means no (Không là không): Bạn hãy nói “KHÔNG” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến bạn buồn): Cha mẹ giải thích cho bạn về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Bí mật “xấu” là cái khiến bạn cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Bạn cần nói ra.

S – Speak up (Lên tiếng): Khi nào cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo…

Quy tắc bàn tay: Bàn tay của chúng ta có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. 

Ôm: Dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. 

Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.

Bắt tay: Khi gặp người quen.

Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.

Xua tay: không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Hãy cùng tìm hiểu để chung tay bảo vệ chính mình và những người xung quanh mình bạn nhé.

Phóng viên: Trần Đức Đạt – K74 PP (5-6)

GIÁ TRỊ SỐNG

Giá trị sống khiêm tốn

“Người ta như một phân số mà tử số là giá trị thật của người ta, còn mẫu số là giá trị mà người ta tưởng tượng rằng mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì phân số bằng không” – đó chính là câu nói về giá trị sống khiêm tốn.

Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, một cách làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách quan tâm đối với mọi người. Đừng quên rằng những người xung quanh ta đều có mặt nào đó giỏi hơn ta. Vậy biểu hiện của người khiêm tốn, lợi ích của giá trị sống khiêm tốn trong cuộc sống của chúng ta là gì, hãy cùng Phương Châu tìm hiểu nhé.

1. Biểu hiện của người khiêm tốn:

Người có đức tính khiêm tốn là những người:

– Luôn biết nhường nhị người khác.

– Không bao giờ khoe với mọi người về những thứ mình đang có.

– Có khả năng tự chủ cao, chiến thắng được cái ‘tôi’ bên trong bản thân mình.

– Nhìn nhận đúng khả năng của bản thân mình, khiêm nhường và nhã nhặn.

– Ý thức được bản thân cần phải rèn luyện nhiều hơn và không bằng lòng với những gì mình đang có.

2. Lợi ích của khi chúng ta sống một cách khiêm tốn:

– Giúp chúng ta kết thêm được nhiều bạn mới.

– Luôn được mọi người yêu quý và kính trọng.

– Giúp chúng ta sống tự tin và lạc quan.

– Sống có tính kỉ luật, có ý thức, không dựa dẫm vào người khác.

3. Làm thế nào để rèn luyện sự khiêm tốn:

Rèn luyện đức tính khiêm tốn không khó khi mà chúng ta biết

Biết ơn: Biết ơn đối với chính thầy cô giáo của mình chính là cách để cho bạn thể hiện lòng biết ơn đối với mọi người. Biết ơn chính là cách để bạn nhận ra những thiếu sót của mình, chứ không phải tìm ra lỗi của người khác và chân thực nhìn ra những ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình một cách đúng đắn và khách quan nhất.

Không so sánh: Con người ai cũng có điểm yếu và điểm mạnh. Vì thế đừng so sánh mình với người khác và cố gắng làm cái gì đó tốt hơn họ, điều này chỉ làm cho bạn thêm tự ti về điểm yếu của mình. Hãy cố gắng giúp đỡ người khác để cho họ cảm thấy bạn đối xử tốt với họ và tỏ ra khiêm tốn khi  bạn tiếp xúc với họ.

Nhận ra khuyết điểm của bản thân: Muốn nhận ra khuyết điểm của bản thân, bạn hãy lắng nghe những sự góp ý cũng như những lời khuyên từ người khác, cố gắng tìm hiểu những điều chưa tốt của bản thân để khắc phục và chia sẻ cách mà bản thân đã chinh phục được mục tiêu để mọi người cùng rèn luyện và thay đổi.

Khen chân thành: Lời khen chân thành là biểu hiện của lòng biết ơn và sự khiêm tốn.Lời khen chân thành giúp bản thân mình thêm hoàn thiện việc đánh giá đúng giá trị của bản thân mình, hay của người được khen. Không những thế, lời khen chân thành giúp người khác tự tin hơn, được cổ vũ, nâng đỡ và tiếp thêm năng lượng cho họ đối với người được khen.

Lắng nghe và thấu hiểu: Hãy mở tâm trí và lắng nghe ý kiến của người khác, hãy làm cho bạn can đảm và đừng thay đổi ý kiến của mình về cảm xúc hay vì sợ hãi. Tất cả những gì mình có, có thể mất ngay trong một sớm một chiều. Lắng nghe còn là cách để cho người khác hiểu rằng bạn đang tôn trọng khi nói chuyện với họ.

Hãy sống một cuộc sống khiêm tốn bằng cách biết ơn sự giúp đỡ của mọi người với lòng thành kính. Chăm chỉ học hỏi, trao dồi bản thân, luôn cầu thị sự hiểu biết, không cầu thị sự thể hiện… Tất cả vì sự hoàn thành mục tiêu học tập, vì đó là thước đo giá trị của bản thân mình, không vì sự thỏa mãn, sự thể hiện hay lợi ích cá nhân. Tôi tin tôi và bạn sẽ làm được.

Phóng viên Đỗ Phương Châu – K73 PP(6-8)

Call Now Button