Đào tạo khả năng tư duy nhận thức cho con

Dạy con bạn cách tư duy nhận thức là việc làm tốt nhất mà các cha mẹ có thể làm cho trẻ. Con bạn sẽ lớn khôn và phải sống trong một thế giới đầy phức tạp. Những thông tin, bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp mà chúng có được là chưa đủ. Chúng phải có khả năng tư duy những gì xảy ra trong kinh doanh, đối với chuyên môn và cả cuộc sống cá nhân. Tất cả đều đòi hỏi nhiều kỹ năng tư duy. Vì vậy, đào tạo khả năng tư duy nhận thức quan trọng hơn nhiều so với việc dạy con bạn lý lẽ về các tình huống xảy đến mỗi lúc. Wedo – wegood và bạn chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

>>>>Xem thêm: Khóa học kỹ năng sống toàn diện cha mẹ tham khảo XEM THÊM TẠI ĐÂY.

1. Vai trò của việc đào tạo tư duy nhận thức

Dạy con tư duy cũng là điều quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm đối với xã hội và đối với thế giới này. Vì khi xã hội càng phát triển các chuyên gia cần tư duy nhiều hơn, nhưng mỗi người bình thường cũng cần phải làm điều đó. Mọi người cần tư duy về các vấn đề và tìm kiếm các giá trị (môi trường và các giá trị khác). Nếu chỉ biết đến có tư duy phê phán thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần tư duy xây dựng và sáng tạo. Chúng ta cần có tư duy nhận thức đúng đắn trong những vấn đề bất đồng và tranh chấp để thế giới có một tương lai tốt đẹp.

Sự nhận thức chính là nền tảng của sự hiểu biết. Logic chỉ có vai trò quan trọng trong những vấn đề tư duy liên quan nhiều đến toán học. Và bởi vì sự nhận thức là một phần vô cùng quan trọng của tư duy, cho nên thật là ngạc nhiên khi cho đến tận nay chúng ta vẫn khăng khăng cho rằng logic mới là nền tảng của tư duy. Điều này nảy sinh từ thói quen suy nghĩ phản hồi của chúng ta. Chúng ta đặt những vật đã được xác định và những thông tin rõ ràng trước mắt học sinh và yêu cầu chúng phản hồi lại. Rõ ràng, logic là quan trọng chỉ khi sự nhận thức đã được hình thành. Trong những tình huống của cuộc sống thực tế, chúng ta phải tự hình thành nên sự nhận thức của chúng ta. Cả logic và nhận thức đều quan trọng đối với hệ thống tư duy.

Mục đích của tư duy chính là cho phép kinh nghiệm tự tổ chức những khuôn mẫu và sau đó ứng dụng chúng trong những khuôn mẫu hiện thời. Và đào tạo khả năng tư duy nhận thức là cách các cha mẹ rèn luyện cho con có được trí não hiệu quả để trẻ có thể sống, làm việc và học tập tốt hơn. Nếu cha mẹ rèn luyện cho con cách sử dụng bộ não để suy nghĩ thường xuyên và đúng cách, trẻ sẽ có một tư duy vượt trội và nâng cao khả năng tập trung.

2. Phân loại tư duy nhận thức:

Sự hiểu biết được hình thành chủ yếu nhờ vào nhận thức. Sự hiểu biết chính là khả năng đón nhận nhiều điều. Những điều đang hiện hữu và cả những điều sẽ xảy đến trong tương lại. Sự hiểu biết cho phép chúng ta nhìn sự việc theo nhiều cách khác nhau. Và chúng ta có thể phân loại tư duy nhận thức thành bốn kiểu chính sau đây:

– Tư duy khám phá: nhìn xung quanh, bồi dưỡng kiến thức và nhận thức của chúng ta về chủ đề. Chúng ta muốn có một tấm bản đồ cụ thể hơn về nó. Tư duy tìm kiếm: khi chúng ta có một nhu cầu xác định, chúng ta muốn điều gì đó. Chúng ta muốn kết thúc với điều gì đó cụ thể. Chúng ta cần một giải pháp cho vấn đề đó. Chúng ta cần giải quyết sự xung đột. Kiểu tư duy này khác nhiều so với kiểu tư duy khám phá. ở đây, từ tìm kiếm có thể được hiểu theo nghĩa kiến thiết. Nó không giống như việc có một ý tưởng đang ẩn chứa đâu đó và chúng ta chỉ việc tìm ra chúng. Chúng ta phải xây dựng một giải pháp cũng như chúng ta phải sắp xếp mọi phần của một mẫu thiết kế. Vì thế chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang tìm kiếm để đi đến một kết quả được mong đợi.

– Tư duy lựa chọn: đã có một số phương án và chúng ta phải thực hiện một sự lựa chọn hoặc một quyết định. Đó có thể là một chuỗi hành động và sự lựa chọn của chúng ta là có nên hoặc không nên sử dụng chúng. Ví dụ, trong thiết kế hoặc trong cách giải quyết vấn đề chúng ta thường đi đến một điểm mà ở đó có một vài phương án có thể và chúng ta phải lựa chọn chúng.

– Tư duy tổ chức: tất cả mọi khía cạnh đều có nhưng lại không theo một trật tự nào cả. Chúng ta phải sắp xếp mọi khía cạnh đó cùng nhau theo cách hiệu quả nhất. Chúng ta xem xét mọi thứ. Chúng ta thử cách này hay cách khác.

– Tư duy kiểm tra: liệu nó có chính xác không? Liệu nó có đúng không? Liệu nó có phù hợp với chứng cứ hay không? Nó có được chấp nhận không? Đây là kiểu tư duy mũ đen hoặc kiểu tư duy phê phán. Chúng ta phản ứng lại trước những gì mà chúng ta thấy. Chúng ta xét đoán nó. Chúng ta kiểm tra nó. Hiển nhiên trong mọi kiểu tư duy (giải quyết vấn đề, kiểm tra là một phần không thể thiếu (giải quyết vấn đề, thiết kế, lựa chọn và giải thích…), nhưng kiểu tư duy này tồn tại độc lập.

3. Phương pháp đào tạo

  • Tập trung đào tạo cho trẻ ba lĩnh vực chính: tư duy logic, tư duy sáng tạo và siêu nhận thức

Tư duy logic giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của các bài học, tư duy về tư duy giúp trẻ suy ngẫm về những điều vừa mới học, qua đó hình thành thói quen chủ động tìm tòi, khám phá, suy nghĩ trong học tập. Sự sáng tạo không phải là phản xạ tự nhiên của trí óc. Mục đích của tư duy chính là cho phép kinh nghiệm tự tổ chức những khuôn mẫu và sau đó ứng dụng chúng trong những khuôn mẫu hiện thời. Vì vậy nếu muốn giúp trẻ tăng cường tư duy sáng tạo, chúng ta phải phát triển một số kỹ thuật suy nghĩ đặc biệt. Những kỹ thuật này tạo nên một phần của lối tư duy được gọi là tư duy khác lạ.

Cụ thể, khi đọc một văn bản, bằng cách đặt và trả lời câu hỏi, trẻ hiểu được nhiệm vụ của mình là phải hiểu chủ đề và nội dung. Trong quá trình đọc, các con có thể không trả lời hết các câu hỏi hoặc không hiểu hết nội dung. Với kỹ năng tư duy tốt, trẻ sẽ xác định được phải làm gì để đạt được mục tiêu hiểu nội dung bài đọc. Có thể, các con sẽ quyết định đọc lại cả bài hoặc những đoạn chưa hiểu rõ để trả lời câu hỏi. Đây chính là kỹ thuật “tư duy về tư duy”, giúp trẻ suy ngẫm bài học để hiểu sâu và hiểu rõ hơn.

Tham gia đào tạo khả năng tư duy, trẻ sẽ nhận thức được học tập là kết quả khả năng tư duy có phương pháp; tư duy có phương pháp là một kỹ năng cần được rèn luyện thành thói quen; học là cần suy nghĩ, hiểu sâu về những điều đã học.

  • Rèn luyện khả năng tư duy cho con qua tranh vẽ

Tư duy là một kỹ năng và có thể được phát triển. Tư duy không giống như chiều cao hay giống như màu mắt của bạn. Những điều mà bạn chẳng thể làm được gì. Tư duy là một kỹ năng giống như những kỹ năng trượt tuyết, bơi hay đi xe đạp. Cha mẹ có thể có thể luyện tập để trẻ có được kỹ năng tư duy. Hoạt động vẽ tranh cũng là một trong những cách thức đào tạo giúp trẻ tạo lập một khung tư duy có tổ chức. Khi sử dụng từ ngữ, rất khó để viết ra mọi việc trong đầu như bạn nghĩ. Nhưng với một bức tranh, cha mẹ có thể thấy ngay lập tức những gì trẻ đã làm và trẻ cần làm. Nếu có khoảng nào bị bỏ trống, trẻ sẽ lấp đầy nó. Trong khi vẽ, trẻ sẽ sử dụng kinh nghiệm, chức năng và các khái niệm theo một cách nhất định để đạt được kết quả. Có những vấn đề đã được vượt qua và có cả những khó khăn đã được xét tới. Chúng ta thường bị ngạc nhiên bởi khả năng tư duy toàn diện của trẻ, bộc lộ qua tranh vẽ của chúng. Khi vẽ xong một bức tranh, trẻ con cũng thường cảm nhận ngay được sự thành công của chúng, điều mà chúng thường không có được qua việc mô tả bằng từ ngữ. Trẻ thường cảm thấy:” mình đã tìm ra cách để làm điều này” và “điều này sẽ thực hiện được”. Không quan trọng là trong cuộc sống thực khái niệm đó sẽ hoạt động như thế nào mà quan trọng là trong lúc vẽ, nó thực sự đang hoạt động. Cảm giác về sự thành công thúc đẩy trẻ tiếp tục thể hiện ý tưởng của chúng.

Khi con bạn đã thực hiện xong một hình vẽ, bạn nên đặt bức tranh phía trước bạn và con bạn và cùng bàn bạc. Cha mẹ có thể yêu cầu con cái làm rõ và giải thích bức vẽ:

– Nói với mẹ đây là cái gì?

– Điều gì đã xảy ra trên đó?

– Thứ này dùng để làm gì?

– Làm sao nó hoạt động được?

Cha mẹ cũng có thể chú trọng tới những vấn đề và các khoảng trống:

– Làm sao chúng ta có thể cho con voi lên chiếc máy này?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu con chó không muốn chạy?

– Liệu nó có bị thương nặng hay không?

Cha mẹ nên thảo luận cùng con trẻ xung quanh tất cả những điểm vừa nêu. Thảo luận về cách để giải quyết những khó khăn. Nêu ra các giá trị liên quan. Cha mẹ có thể cho con thảo luận về những ý tưởng và khái niệm chung. Hình vẽ của một đứa trẻ thường nêu ra các cách cụ thể để thực hiện một khái niệm. Yêu cầu con trẻ vẽ những hình đơn giản là một cách hiệu quả và mang tính thực tế trong việc phát triển các kỹ năng tư duy. Đây không phải là những bức vẽ nghệ thuật mà là những bức vẽ “hành động”. Mỗi một bức vẽ chỉ ra cách để thực hiện một nhiệm vụ nào đó hoặc giải quyết một vấn đề nào đó. Phương pháp này vừa giúp trẻ luyện kỹ năng thực hành và kỹ năng kiến thiết: làm thế nào con có thể sắp xếp mọi thứ với nhau để đạt được kết quả mong muốn.

  • Những bài tập rèn luyện năng lực tư duy cho con

Tư duy là một kỹ năng cần được đào tạo, thực hành rèn luyện thường xuyên. Cha mẹ có thể lựa chọn 1 số bài luyện tập quan điểm tư duy cho con dưới đây :

Thứ nhất – Giải thích và thảo luận các khái niệm của quan điểm. Nó có thể bao gồm quan điểm đối với thể thao, âm nhạc, với bạn bè, nhà trường…

Thứ 2- Đọc kỹ danh sách những quan điểm không phù hợp. Liệu các con có biết người bạn nào của chúng có những quan điểm như vậy? Thảo luận xem tại sao một số người lại có những quan điểm như vậy. Bàn bạc xem tại sao đó lại là những quan điểm không phù hợp.

Thứ 3- Hãy xem xem liệu các con có thể cộng thêm quan điểm tư duy không phù hợp nào khác vào danh sách đó. Chúng cũng có thể tự phân chia danh sách những quan điểm đó thành những phần khác nhau.

Thứ 4- Đọc kỹ toàn bộ những quan điểm tốt, lần lượt từng quan điểm một và thảo luận xem tại sao chúng lại tốt. Cha mẹ có thể gợi ý những tình huống cụ thể mà theo đó quan điểm tư duy trở thành không tốt, nhưng nêntránh làm điều này vì có thể gây ra sự nhầm lẫn. Nếu quan điểm đó xét chung là một quan điểm tốt, thế là đủ.

Thứ 5- Hãy đặt ra nhiệm vụ là chọn ra 5 quan điểm hữu ích nhất. Mục đích của nhiệm vụ này thực ra không phải là lựa chọn 5 quan điểm hữu ích nhất mà là một sự kiểm tra về tất cả các quan điểm (trong quá trình lựa chọn, các con cần thiết phải làm điều này).

Là một hệ thống tự tổ chức, trí óc mỗi người cho phép những thông tin đến tự tổ chức thành những mẫu thông lệ. Trí óc có những hành vi tự nhiên của nó. Tuy nhiên, chúng ta có thể can thiệp để hành vi tự nhiên này của trẻ được sử dụng một cách có hiệu quả hơn, phù hợp với mục đích của quá trình đào tạo tư duy nhận thức. Ngoài ra, thông qua huấn luyện đào tạo ấy, chúng ta có thể hình thành những mẫu thường lệ có hiệu quả hơn so với những mẫu tự nhiên. Tất cả những điều này tạo nên nền tảng cho việc phát triển kỹ năng tư duy cho con.

Với các nội dung đã chia sẻ trên đây, hi vọng các cha mẹ sẽ gặt hái được nhiều thành công trong quá trình đào tạo tư duy nhận thức cho con!

Call Now Button