Mùa hè thời tiết hanh khô, nóng bức, thường xuyên có những trận mưa rào tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi, gây nên rất nhiều loại bênh nguy hiểm. Đặc biệt là trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn non yếu, do sức đề kháng kém là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Do vậy, việc cha mẹ trang bị cho con trẻ các kiến thức về phòng ngừa các bệnh mùa hè là rất cần thiết.
Theo thống kê từ các bác sĩ tại bệnh viện nhi, số ca bệnh nhi đến thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm phổi viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản hoặc chân – tay miệng,… tăng cao trong thời điểm nắng nóng.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về mùa hè là sự thay đổi đột ngột giữa nóng – lạnh, trong khi trẻ ở trong nhà với mức nhiệt từ 24-18 độ thì nhiệt độ bên ngoài thường rơi vào từ 35-40 độ, sự chênh lệch nhiệt độ cao khiến cơ thể trẻ khó thích nghi và dẫn đến các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm mà các loại virus, khi khuẩn hoạt động mạnh mẽ gây ra các bệnh thường gặp vào mùa hè.
Dưới dây sẽ là các bệnh nguy hiểm thường gặp trong mùa hè. Hãy cùng Wedo – Wegood tìm hiểu nhé!
1. Tiêu chảy cấp
Vào mùa hè thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện rất tốt cho các loại vi khuẩn, nấm, ruồi nhặng lây lan và gây bệnh bệnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp. Ngoài ra việc vệ sinh các dụng cụ ăn uống như: bát đũa, bình sữa, cốc nước… cho trẻ không sạch sẽ, bảo quản thực phẩm không đúng cách hoặc trẻ không được vệ sinh tay chân,… đều là những nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ.
Khi bị tiêu chảy kéo dài sẽ gây ra hiện tượng mất nước và điện giải, cơ thể mệt mỏi. Do vậy, khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu của tiêu chảy và mất nước như: da khô, môi khô, lưỡi khô, tiểu ít, quấy khóc, đi ngoài nhiều… việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là cho trẻ uống nước oresol và tiếp tục cho trẻ bú mẹ (nếu trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ). Nếu trẻ có dấu hiệu nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị thích hợp. Không được tự ý cho trẻ uống các loại thuốc mà bác sĩ chưa kê đơn.
2. Các bệnh về đường hô hấp
Sau khi hoạt động lâu ngoài trời nắng nóng, cơ thể trẻ sẽ đổ rất nhiều mồ hôi, cùng với thói quen vào phòng điều hòa hoặc ngồi trước quạt hoặc uống nước lạnh, tắm mát sau khi hoạt động để giảm thân nhiệt nhanh chóng, dễ gây ra tình trạng khô vùng mũi họng, khô chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, thâm chí gây ra tình trạng sốc nhiệt và các bệnh lý nặng về đường hô hấp như: Viêm họng, ho đờm, ho gà, viêm phổi nặng, sốt virus,…
3. Các bệnh ngoài da
Các tuyến mồ hôi và chất nhầy sẽ hoạt động liên tục khi thời tiết nắng nóng để giảm nhiệt và thải độc tố, tạo ra những vùng ẩm ướt tại các vị trí như: vùng da lưng, dưới cổ, dưới cánh tay, trán, kẽ ngón tay, bẹn, … khi kết hợp với các loại vi khuẩn sẽ dễ gây ra các bệnh ngoài da như: viêm da, rôm sảy, bệnh nấm ngứa, mụn nhọt, mề đay…
Để phòng tránh các bệnh ngoài da, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu mềm nhẹ, thoáng mát, luôn đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng ẩm ướt, bị tổn thương. Không tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
4. Bệnh truyền nhiễm
Mùa hè là thời điểm bùng phát các bệnh truyền nhiễm cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ, dưới đấy là một số loại bênh thường gặp phải vào mùa hè:
– Bệnh sốt xuất huyết: Bệnh này thường được lây truyền qua muỗi đốt, khi nhiễm bệnh trẻ sẽ có các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, kèm theo các biểu hiện đau nhức cơ, da sung huyết, đau họng, đau khớp, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn… Ở trẻ nhỏ hơn có thể xuất hiện các triệu chứng như ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy
Một số trường hợp diễn biến dẫn đến sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như: mạch nhanh, chân tay lạnh, huyết áp kẹp không đo được. Những trường hợp trên phải được cấp cứu ngay, đề phòng diễn biến xấu nguy hiểm tính mạng.
– Bệnh chân – tay – miệng: Khi nhiễm bệnh trẻ sẽ có các dấu hiệu như: đau họng, đau miệng, sốt nhẹ, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Đối với trẻ nhỏ sẽ thường đau khóc, bỏ bú sữa, cùng với đó là sự xuất hiện của những vết loét đỏ như vết lở ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Khi quan sát kĩ sẽ thấy đó những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Cha mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên, nếu thấy trẻ sốt cao hơn 39 độ C, quấy khóc hoặc ngủ li bì hoặc thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để kịp thời chữa trị.
– Bệnh viêm não Nhật Bản: Đây là virus được muỗi truyền từ xúc vật sang người gây. Bệnh này thường gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó đa số thường là trẻ từ 1-5 tuổi, bệnh này có tỉ lệ tử vong cao và để lại những di chứng nặng nề.
Các triệu trứng thường gặp là: đau đầu, sốt cao, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Ngoài ra còn có một số bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, thủy đậu,… đều có thể để lại di chứng về sau nếu không kịp phát hiện và điều trị sớm.
Biện pháp phòng tránh :
– Tạo môi trường sống an toàn và sạch sẽ: Để hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý nguy hiểm cần giữ môi trường sống thông thoáng như: phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn. Ngoài ra, cha mẹ cần tạo thói quen mắc màn khi đi ngủ, tham gia phong trào diệt lăng quăng…để phòng tránh các bệnh lây truyền từ muỗi
– Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên và sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa,… Tắm rửa sạch sẽ và lau khô mồ hôi tại những vùng ẩm ướt. Từ đó, giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
– Tạo thói quen ăn uống hợp vệ sinh: Để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa của trẻ cần chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ các qui định an toàn vệ sinh thực phẩm của bộ Y tế.
– Uống nhiều nước: Để bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, cha mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội…giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.
– Tiêm phòng đầy đủ: Để phòng tránh bệnh tật, cha mẹ nên thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi khi hệ miễn dịch còn non yếu. Ngoài ra việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Trên đây là những là các bệnh thường gặp cho trẻ vào mùa nắng nóng và cách phòng tránh mà các bậc cha mẹ cần biết để ngăn chặn những nguy cơ gây bệnh xuất hiện ở trẻ, đảm bảo trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện.