Một lần tôi giúp chị gái đón con, vì đi sớm nên các bé chưa tan lớp tôi đứng ở ngoài đợi cháu và nhìn vào lớp học. Tôi thấy cô giáo đang hỏi các bé “Có con nào xung phong lên trả lời giúp cô buổi học hôm nay chúng ta học những gì nào?”. Một vài bạn nhao nhao xung phong xin trả lời nhưng cháu gái tôi và các bạn khác thì cứ ngồi im lặng và nhìn các bạn giơ tay. Đó là vì con thiếu sự tự tin. Có lẽ bạn cũng đang tìm cách giúp con tự tin như tôi đúng không?
Trên đường về tôi có hỏi cháu gái: “Nhi à! Hôm nay cô giáo hỏi bài lúc cuối giờ ấy, sao các bạn giơ tay trả lời mà cháu cứ ngồi im vậy? Cháu không nhớ bài ư?”. Cháu gái tôi nói “Cháu nhớ bài mà, nhưng cháu ngại, cháu sợ nếu đứng lên trả lời vì run quá mà trả lời sai thì các bạn và cô sẽ cười chê cháu, cháu xấu hổ lắm!”
Có rất nhiều trường hợp như bé Nhi cháu tôi, các bé biết nhưng không bao giờ xung phong, tự giác đứng lên mà đợi cô chỉ định mới dám đứng lên trả lời. Có lẽ là do nhiều nỗi lo sợ khiến các bé mất đi sự tự tin, không dám thể hiện mình trước mọi người. Vậy phụ huynh cần phải làm gì để các bé lấy lại niềm tin, sự tin tưởng bản thân, sự mạnh dạn trong giao tiếp?
Trẻ con sinh ra thì đúng như một tờ giấy trắng. Chúng ta có thể vẽ bất kỳ điều gì ta thích lên tờ giấy ấy. Chính vì vậy, phụ huynh có xu hướng áp đặt con cái phải làm theo ý thích cá nhân mà không cần quan tâm trẻ có thích không, có phù hợp với chúng không? Những câu nói như “cá không ăn muối cá ươn” “Trứng đòi khôn hơn vịt”…là những câu nói phổ biến của phụ huynh để cưỡng ép tinh thần.
Ai cũng vậy khi không được làm điều mình thích thì sẽ chẳng bao giờ thành công vì chẳng bao giờ chúng ta cố gắng hết sức vì điều đó cả. Các con cũng vậy ép chúng học cái chúng không thích, chúng sẽ không có tinh thần, sự đam mê và cố gắng hết mình mà toàn là sự chán nản, mệt mỏi dẫn đến sự kìm nén, thất bại khiến trẻ trở nên mất tự tin. Sự kìm nén của trẻ trước áp lực của gia đình trong thời gian dài sẽ dẫn tới trẻ sống khép mình, tự kỉ. Vì thế cha mẹ yêu thương con ,quan tâm con thì hãy chỉ cho trẻ con đường, hướng đi dựa trên nên tảng đam mê của trẻ để giúp con tự tin phát triển bản thân.
Bên cạnh đó, khi các bé đi học với sự hồn nhiên, ngây thơ và sự hiếu động của trẻ con sẽ không tránh khỏi những lời nói làm tổn thương các bạn khác. Thầy cô sẽ phải là người chỉ bảo cho các con thấy những điều đúng sai ấy. Chẳng hạn, khi có bạn đứng lên trả lời nếu trả lời sai, mà các bạn trong lớp cười ầm lên thì chắc chắn lần sau bạn ấy sẽ không dám đứng lên nữa vì trẻ con rất nhạy cảm, chúng cảm thấy xấu hổ.
Trong trường hợp ấy các cô nên chỉ cho các con thấy rằng hành động đó là không đúng, chúng ta nên lắng nghe câu trả lời của bạn và bổ sung góp ý nếu cần. Bên cạnh đó cũng cần cám ơn và động viên bạn có câu trả lời dù đúng hay sai vì bạn ấy đã dám đứng lên trước lớp đưa ra đáp án của mình. Điều ấy chính là cách giúp con tự tin, không còn nỗi lo sợ bị cười chê, trẻ sẽ dám thể hiện và mạnh dạn ở những lần tiếp theo.
Thầy cô sẽ hỗ trợ giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các học tập và phát triển bản thân khi ở trường. Lúc ở nhà cha mẹ bên cạnh việc yêu thương, chăm sóc, lo lắng cũng nên dạy và chỉ bảo những điều tốt đẹp, làm những việc làm tốt để con noi gương theo vì trẻ bắt chước rất nhanh. Luôn tâm sự chia sẻ với con như một người bạn thân thiết, lắng nghe trẻ nói, động viên khuyến khích trẻ cố gắng cho những lần tiếp theo.
Tất cả những việc làm trên sẽ giúp con yêu luôn yêu thương, tin tưởng bản thân, không còn cảm giác sợ hãi, rụt rè khi đứng trước đám đông.