Hàng năm, tại các trường, để có thể đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên, khả năng nắm bắt nội dung bài học của các em học sinh thì nhà trường thường tổ chức các dạy và học có cán bộ dự giờ. Đây có phải là phương thức đánh giá năng lực thật của thầy và trò?
1. Khâu chuẩn bị của giáo viên
Đây được coi như một cuộc thi quan trọng của các thầy cô giáo khi bắt đầu những kỳ học mới. Với các giáo viên mới, đặc biệt những bạn sinh viên mới ra trường, khi mới được nhận vào giảng dạy thì đây được coi là thử thách bắt buộc phải vượt qua. Do vậy, nó được các thầy cô chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị giáo án, đến khâu thuyết trình, diễn giải, tình huống…Và để tránh xảy ra những sai xót thì một tiết dự giờ đó sẽ được các thầy cô tập đi, tập lại rất nhiều lần. Đối với một giáo viên dày dặn kinh nghiệm đứng lớp thì các tiết dự giờ này không quá làm khó. Tuy nhiên, với những giáo viên còn ít kinh nghiệm thì đây quả là một thử thách. Bởi lẽ, ngoài việc chuẩn về nội dung, thời gian, giáo viên còn phải đảm bảo chất lượng bài học cho học sinh và đặc biệt phải thật chuẩn chỉnh để có thể ghi điểm với hội đồng bao gồm ban giám hiệu và các thầy cô trưởng, phó bộ môn.
2. Quá trình tương tác của học sinh
Để một buổi dự giờ được thành công thì nhân tố đánh giá quan trọng nhất chính là bản thân các em học sinh. Các em có hiểu bài, có hăng hái phát biểu ý kiến…thì buổi dạy của giáo viên mới có thể được đánh già là đạt hay không đạt. Do vậy, các em cũng được giáo viên chuẩn bị bài rất kỹ lưỡng. Trong những giờ có cán bộ dự giờ, không chỉ học sinh mà bản thân giáo viên cũng cảm thấy rất căng thẳng vì sẽ bị soi xét rất kỹ. Có thể trong buổi dự giờ đó, vì đã được lên kế hoạch, được hướng dẫn từ câu trả lời, cách trả lời cũng như từng chi tiết nhỏ ở kính thưa, cảm ơn nên thường các em cũng tương tác rất ăn khớp với giáo viên dạy ở trên.
3. Nên hay không việc duy trì dự giờ?
Thiết nghĩ, sau mỗi cuộc thi sẽ tìm ra được các nhân tố để đánh giá năng lực của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, với những tiết học được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả phía giáo viên và học sinh như vậy thì kết quả đánh giá có khách quan hay không? Tâm lý của học sinh hiện nay là đến gần ngày thi thì rất tập trung tu luyện nhưng khi đã thi xong rồi thì kiến thức cũng bị rơi rụng theo. Đánh giá năng lực, nhân cách của một người là cả một quá trình. Vậy, chỉ trong một thời gian ngắn có thể là một tiết dạy dự giờ như vậy để đánh giá thầy và trò liệu có chuẩn xác?
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì dự giờ cũng là một trong những phương pháp cần thiết. Tuy nhiên, cần chỉ đạo, vận hành phương pháp này thế nào cho phù hợp để không biến những buổi dự giờ thành những buổi “ghi hình”.