Dạy con kỹ năng và tư duy giải quyết vấn đề khi bị bạn tẩy chay. Bạo lực học đường không phải là một hiện tượng mới, tuy nhiên nó luôn là một điểm nóng luôn được các cha mẹ, thầy cô và cả xã hội quan tâm và trăn trở. Tẩy chay chính là một hành vi bạo lực học đường và nó đem đến những hậu quả rất nặng nề về tinh thần thậm chí là cả thể xác của trẻ. Vì vậy để giảm thiểu và ngăn chặn những vụ bạo lực học đường xảy ra, đặc biệt là tẩy chay, cha mẹ cần dạy cho con kỹ năng và tư duy giải quyết vấn đề của chính mình. Hãy cùng Wedo – Wegood tìm hiểu nhé!
1. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị tẩy chay
Có muôn vàn các nguyên nhân, các lý do có thể khiến cho con trẻ bị tẩy chay, và các lý do đó hết sức đơn giản. Có khi là sự ghen tỵ, đố kị vì bạn xinh hơn, bạn giỏi hơn, nhà bạn giàu hơn. Hay do bạn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt: nhà nghèo, bố hoặc mẹ đơn thân, bố mẹ làm lao động chân tay (lao công, buôn bán phế liệu…). Thậm chí cả những bạn không hay tham gia vào các hoạt động của lớp,….Đôi khi, tẩy chay cũng có thể là một hình phạt cho những bạn yếu hơn khi không làm đúng yêu cầu của một số học sinh cá biệt cầm đầu trong lớp.
2. Các hình thức tẩy chay
Các hình thức tẩy chay thường là nói xấu, không nói chuyện, không chơi chung và mức độ tẩy chay ở các cấp học cũng sẽ là khác nhau. Ở cấp tiểu học, các hình thức tẩy chay có thể dừng lại ở các hành vi như không nói chuyện cùng, không chơi cùng, nói xấu. Nhưng đến cấp 2 mức độ có thể nặng nề hơn như nói bóng gió hoặc kể những câu chuyện mang tính chất mỉa mai, viết giấy dán sau lưng, xì lốp xe, giấu đồ dùng học tập, bị đổ lỗi…Đặc biệt ở cấp 3, việc sử dụng các trang mạng xã hội không được kiểm soát có thể khiến cho việc tẩy chay diễn ra gay gắt hơn, các em có thể lên đó để ghép ảnh, nói xấu, đưa các thông tin sai lệch,….. khiến cho việc tẩy chay không chỉ dừng lại ở trong phạm vi lớp học mà còn có thể là các lớp khác trong khối, nặng nề hơn là toàn trường.
3. Những hậu quả của hành vi tẩy chay
Bên cạnh mặt tích cực của việc tẩy chay (tẩy chay các bạn có hành vi xấu làm ảnh hưởng đến tập thể) giúp cho thành tích học tập hoặc thi đua của lớp tiến bộ thì bên cạnh đó những hành vi tẩy chay (vì ghen tỵ, vì không ưa, vì những lý do vô cớ,…) đã mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng cho các trẻ bị tẩy chay.
Khi bị rơi vào trạng thái bị tẩy chay trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về tâm lý. Có những trẻ bị stress, trầm cảm, mất ngủ, lo lắng, sợ hãi không dám đến trường, kết quả học tập kém đi. Nguy hiểm hơn là có trẻ tìm đến việc tự tử để giải thoát hoặc nuôi dưỡng sự hận thù dẫn tới những hành vi khó lường trước.
Đối với những trẻ có hành vi tẩy chay bạn bè, khi có những sự cố ngoài ý muốn xảy ra sẽ khiến con có sự ám ảnh hoặc ân hận day dứt vì chính những hành động thiếu suy nghĩ của mình. Dù là nạn nhân hay bản thân trẻ có hành động tẩy chay cũng sẽ phải đón nhận những hâu quả rất nặng nề và vô cùng đau đớn về tinh thần.
4. Cần dạy con kỹ năng và tư duy giải quyết vấn đề khi bị bạn tẩy chay
Để tránh những hậu quả đáng tiếc mà bạo lực học đường nói chung hay tẩy chay nói riêng cha mẹ cần trang bị cho con kỹ năng và tư duy giải quyết vấn đề của chính mình.
Đầu tiên, cha mẹ hãy trang bị cho con những kiến thức về bạo lực học đường để con có thể hình dung và đón đầu trước các tình huống có thể xảy ra trong việc tương tác với bạn bè. Cho con hiểu đúng về bạo lực học đường, bởi rất nhiều trẻ đang bị bạo lực nhưng lại không biết điều đó. Trẻ thường nghĩ rằng bạo lực học đường chỉ dừng lại ở việc bị các bạn làm đau, làm bị thương cơ thể của mình chứ không biết rằng việc bị cô lập, tẩy chay, hay chế giễu cũng là một hành vi bạo lực. Không những vậy việc cho trẻ nhận diện các nguyên nhân và hậu quả của hành vị tẩy chay là một việc rất cần thiết.
Tiếp theo, các cha mẹ hãy dạy con kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề khi bị bạn tẩy chay bằng cách:
– Dạy trẻ nhận diện vấn đề của bản thân bằng cách cảm nhận thông qua việc cảm nhận: Sau khi được trang bị những kiến thức nhất định về các hành vi bạo lực học đường con có thể dễ dàng nhận diện được vấn đề của bản thân mình (con đang gặp chuyện gì? Ai là người có hành động không đúng với con? Nó có ảnh hưởng tới con như thế nào? Nguyên nhân nào dẫn tới việc con bị tẩy chay? Do con hay do các bạn)
– Hướng dẫn con đưa ra các phương án để giải quyết: Cho con tự suy nghĩ và chủ động đưa ra các phương án giải quyết vấn đề của mình
– Sau khi đưa ra phương án giải quyết, cha mẹ hãy cùng với con phân tích từng cách giải quyết một. Xem nó có những ưu điểm hay hạn chế như thế nào? Có giải quyết được triệt để vấn đề hay không? Để từ đó có thể lựa chọn phương án hợp lý nhất.
– Tạo động lực để con dám đối mặt và giải quyết vấn đề của chính mình.
Trong cuộc sống luôn có những vấn đề xảy ra một cách tình cờ mà chúng ta không thể lường đoán trước được. Chính vì vậy, bố mẹ hãy luôn tạo cho con cảm giác an toàn và luôn là người bạn đồng hành, lắng nghe những chia sẻ cùng con để có thể định hướng cho con đương đầu và tự giải quyết được vấn đề của chính mình.