Học kỹ năng sống cho trẻ trong dịp hè và những điều cần lưu ý. Hè là giai đoạn học sinh được nghỉ ngơi sau 9 tháng miệt mài học tập tại trường, đây cũng là lúc bố mẹ “săn lùng” các khóa học hè cho con, từ việc học bổ trợ các môn văn hóa đến học các môn năng khiếu và đặc biệt là các chương trình kỹ năng sống cho con trong dịp hè.
Một số lưu ý khi cho con học kỹ năng sống trong giai đoạn này
1. Đừng biến các địa chỉ học kỹ năng sống thành nơi “trông trẻ”
Con nhút nhát, con ương bướng , con không nghe lời, con thiếu kỹ năng sống, bố mẹ không có phương pháp thích hợp.
Có vô vàn lý do như vậy để phụ huynh tìm đến các trung tâm đào tạo kỹ năng sống. Nhưng cũng có một phần không nhỏ số lượng phụ huynh tìm đến các trung tâm kỹ năng sống với lý do “không có thời gian cho con”. Rồi cũng chính nguyên nhân “không có thời gian” nên việc tìm hiểu các chương trình học, các trung tâm cũng trở nên dễ dãi, ngay cả việc tương tác, sát sao với quá trình học của con cũng trở nên lơ là.
Chính những nguyên nhân đó các khóa học kỹ năng sống trong hè đã bị chính các bậc phụ huynh biến tướng thành việc giết thời gian cho con trong lúc bố mẹ đi làm, trung tâm kỹ năng sống trở thành “nhà trẻ” dưới con mắt của nhiều người.
Click–>Tham khảo một số khóa học hè và kỹ năng sống cực kỳ hứng thú cho trẻ
2. Gia đình mới là môi trường tốt nhất để rèn luyện kỹ năng sống
Rèn luyện kỹ năng sống nhất thiết phải là sự kết hợp chặt chẽ, mối tương tác đa chiều giữa nhà trường, gia đình và xã hội, các chương trình kỹ năng sống trong hè cũng không phải ngoại lệ. Nhiều bậc bố mẹ luôn cho rằng, hoàn toàn phó mặc cho nhà trường là con có thể thay đổi. Điều này hoàn toàn sai.
Gia đình mới là môi trường rèn luyện kỹ năng sống hiệu quả nhất thông qua việc người lớn làm gương cho trẻ, nói chuyện, tâm sự, làm bạn cùng con. Tuy nhiên cuộc sống công nghiệp cuốn gần hết quỹ thời gian cho gia đình, bố mẹ không còn thời gian để sát sao cùng con bồi dưỡng kỹ năng sống từ những việc đơn giản như chi tiêu, vệ sinh cá nhân, giao tiếp với con,….
Các chương trình học kỹ năng sống cung cấp và rèn luyện cho con đầy đủ các kỹ năng mà con đang cần, bố mẹ đang quan tâm. Nhưng sau khóa học kỹ năng sống trong hè, về với môi trường gia đình, bố mẹ lại quá bao bọc, chiều chuộng, làm hết mọi việc cho con. Những đứa trẻ thời hiện đại trở nên quá ỷ lại, dựa dẫm, không có tinh thần tự giác.
Hơn nữa việc dạy con theo cảm tính, không mang tính khoa học đã làm cho những kỹ năng con được học dần mai một, việc học kỹ năng sống trong hè của con trở nên vô nghĩa và lãng phí do không đem lại kết quả như khi đang theo học. Trước khi muốn con thay đổi, bố mẹ hãy thực sự trở thành những người mẫu mực để con cái có môi trường phát triển toàn diện.
3. Vung tay đầu tư học văn hóa, nhưng chi ly khi học kỹ năng sống
Xã hội càng phát triển, sự cầu toàn của bố mẹ ngày càng cao, thì gánh nặng học hành của các con ngày càng lớn. Tham gia học văn hóa ở trường dường như chưa thể đáp ứng được những nhu câu mong muốn của bố mẹ, con tiếp tục học thêm toán, văn, tiếng anh,… tại nhà thầy cô hoặc tại các trung tâm khác. Con học liên miên từ sáng đến tối, rồi về nhà là cả chồng bài tập của các môn học.
Việc học trở thành trách nhiệm nhưng con không hề có hứng thú, cũng không hiểu tại sao phải học. Việc áp lực học quá lớn biến nhiều đứa trẻ trở nên đờ đẫn, học văn hóa rất giỏi vì đã theo lối mòn có sẵn nhưng kỹ năng thì hoàn toàn thiếu hụt. Nhưng các bố mẹ Việt Nam quên mất rằng xã hội đang cần những con người sáng tạo, có ích, có kỹ năng chứ không phải một con người như cái máy tính, chỉ cập nhật được những thông tin do người khác nhập liệu. Chính vì sự xem nhẹ này của bố mẹ nên việc đầu tư một khoản tiền cho các khóa kỹ năng sống trong hè trở nên thật lãng phí.
Bố mẹ có thể bỏ ra cả đống tiền để cho con theo học các lớp học thêm mà thực chất chỉ là học lại những kiến thức trên trường đã được học. Đối với các chương trình học kỹ năng sống trong hè, học phí có thể cao hơn một chút nhưng bố mẹ luôn cho rằng đây là một khoản chi phí quá cao, quá lãng phí. Chính việc tiếc thời gian, tiếc công sức, tiếc tiền bạc để bồi đắp kỹ năng sống cho con đang dẫn đến việc trẻ em phát triển khập khiễng, một chiều, “thừa” văn hóa nhưng hoàn toàn thiếu kỹ năng.
Thiết nghĩ, đã đến lúc bố mẹ nên xem lại việc bồi dưỡng kỹ năng cho con em mình như thế nào cho hợp lý, phù hợp với yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển.