Kỹ năng ứng phó với bạn xấu

Khi trẻ bắt đầu đi học, được tiếp xúc với nhiều bạn bè thì việc trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để dễ dàng ứng phó với những tình huống bất lợi một cách dễ dàng là điều vô cùng cần thiết. Nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện lạ hay nghi ngờ con chơi với bạn xấu, trước hết cha mẹ nên lắng nghe và tâm sự với trẻ để tìm ra nguyên nhân và sự thật rồi hãy dạy cho trẻ kỹ năng khi rơi vào trường hợp trên.

Cha ông ta từ xa xưa đã có câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sự phát triển của trẻ theo hướng tích cực hay tiêu cực chịu nhiều ảnh hưởng rất nhiều từ phía bạn bè ở lớp, ở nhà. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không thể quan sát con mình mọi lúc, mọi nơi để kịp thời điều chỉnh và định hướng cho con những điều đúng sai. Bạn bè là một trong những yếu tố có tác động rất nhiều tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay. Vì thế cha mẹ cần để trẻ tự lập và dạy trẻ kỹ năng sống để trẻ có thể nhận biết được bạn bè xung quanh và cách ứng xử phù hợp ngay từ độ tuổi mầm non.

>>>Xem thêm: Khóa học kỹ năng sống toàn diện cha mẹ tham khảo XEM THÊM TẠI ĐÂY.    

Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, một trong những nguyên nhân gây ra tội phạm trẻ vị thành niên, có sử dụng bạo lực hoặc có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội lại chiếm tỉ trọng đáng kể là do sự rủ rê, lôi kéo của bạn xấu.

Các bậc cha mẹ cần nhận diện và có cách ứng phó kịp thời để đưa ra cách giáo dục, chấn chỉnh con mình phù hợp. Nếu phát hiện con có nguy cơ chơi với nhóm bạn xấu, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu một số cách giải quyết triệt để sau đây:

Áp đặt: Không nên có khuynh hướng áp đặt suy nghĩ của mình đối với trẻ, luôn nghĩ mình làm đúng mà không nghe lời giải thích của trẻ.

Tuyệt đối không dạy trẻ bằng hành vi bạo lực: Trẻ em có thể cảm thấy xấu hổ khi phải khóc lóc hoặc để bạn bắt nạt, vì thế đôi khi trẻ sẽ có những suy nghĩ chưa đúng hoặc mong muốn được “trả đũa” bạn xấu. Điều này rất nguy hiểm, vì bạo lực đáp trả bạo lực sẽ gây ra thêm nhiều rắc rối khó có thể lường trước được. Hãy dạy trẻ điều chỉnh hành vi theo hướng ôn hòa, tích cực.

Ngoài ra, bạn cũng nên dạy con cách giao kết với bạn bè và những kỹ năng sống cho trẻ em. Bố mẹ hãy giúp trẻ quan sát và phân biệt những người bạn tốt và chưa tốt, hãy sắp xếp buổi gặp mặt của các phụ huynh với nhau để xây dựng tình bạn cho các con.

Giữ mối liên hệ với con qua nhiều kênh. Bạn phải luôn sâu sát, quan tâm con mọi lúc mọi nơi. Nói cho trẻ hiểu cha mẹ muốn được biết bất cứ sinh hoạt nào của cá nhân con. Tạo mọi điều kiện để trẻ không thoái thác, trốn tránh việc báo cáo cho cha mẹ. Bằng mọi cách, kể cả kết hợp với thầy cô ở trường, huấn luyện viên… bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể quản lý con một cách linh hoạt nhất.

Tuy nhiên, đừng để trẻ sống trong cảm giác ngột ngạt vì bị quản thúc quá chặt. Luôn duy trì mối quan hệ tin tưởng và tích cực. Bạn truyền tải đến con những thông điệp: “Cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe con”, “Dù thế nào thì con vẫn là con của cha mẹ!”…

Khuyến khích con gia nhập các nhóm bạn khác nhau. Cách tốt nhất để hạn chế thời gian con bạn gần gũi quá lâu bên người bạn “có dấu hiệu xấu” là hướng con tham gia vào nhiều nhóm xã hội khác nhau. Như khuyến khích con gia nhập câu lạc bộ võ thuật, bơi lội, học chơi ghi-ta, chơi bóng chuyền, cầu lông… Qua đó để kích thích trẻ thể hiện sở trường và khơi gợi lòng tự trọng của chúng.

Chia sẻ mối quan tâm của cha mẹ đến con mọi lúc mọi nơi. Thay vì xét đoán hoặc chỉ trích bạn của con (vừa làm con bực bội vừa buổi nói chuyện sẽ nhanh chóng kết thúc). Cha mẹ hãy gần gũi và trao đổi để mạnh dạn chỉ ra những thay đổi theo chiều hướng xấu của con mà bạn thấy khi bắt đầu chơi với nhóm bạn này. Chẳng hạn: “Gần đây mẹ thấy con có biểu hiện hay nói tục chửi thề. Trước đây, khi chưa giao du với nhóm bạn ấy con có như thế đâu?” hoặc “Mẹ thấy con về khuya hơn kể từ khi chơi với H”… Cách nhắc nhở khéo léo này sẽ khiến con thấy “chột dạ” mà tự chấn chỉnh mình.

Thể hiện thái độ thân thiện với bạn bè của con: Thể hiện thái độ quan tâm, gần gũi với bạn bè của con, cởi mở và cho chúng thấy bạn đang quan tâm tới cuộc sống của chúng. Cách thể hiện sát sao của cha mẹ sẽ khiến trẻ thận trọng hơn và có cách ứng xử phù hợp. Qua đó, đưa ra những câu hỏi giả định đưa con vào những tình huống cụ thể để xem trẻ có cách xử lý ra sao. Từ đó, có cách uốn nắn, điều chỉnh và kiểm soát cho phù hợp.

Nếu cần, hãy “cách ly” con. Nếu thấy bạn xấu đang đẩy con bạn vướng vào những thái độ sống nghiêm trọng, chẳng hạn như dùng chất gây nghiện hoặc uống rượu, hút thuốc, ăn cắp, đua xe máy, gây rối trật tự công cộng…, bạn lập tức phải kịp thời can thiệp và ngăn chặn mối quan hệ ấy. Thậm chí, nếu cần thiết bạn phải lường trước việc chuyển trường cho con, đưa con về quê để “cách ly” một thời gian.

Call Now Button