Đối với trẻ được tham gia các hoạt động, trải nghiệm cùng với bạn bè, người thân vào những ngày nghỉ là khoảng thời gian vô cùng thú vị. Vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng giao tiếp cơ bản để giúp trẻ vui vẻ hòa nhập, biết ứng xử phù hợp trong các tình huống giao tiếp thường ngày. Cha mẹ có thể tìm hiểu các phương pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển để hướng dẫn và tạo lập cho con cách cư xử chuẩn mực trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
Các giai đoạn quan trọng giúp con hình thành kỹ năng giao tiếp
1. Giai đoạn trước khi con đến trường
Cha mẹ cần tận dụng sự sẵn sàng và khả năng của con để giúp trẻ học những quy tắc ứng xử, giao tiếp cơ bản trước khi con chuẩn bị học mầm non. Thời điểm này, cha mẹ hãy tập trung vào các từ ngữ mô tả hành động giao tiếp, thực hành các cử chỉ, lời nói thể hiện thái độ lịch sự để giúp cho hành vi của trẻ chuẩn mực hơn. Hãy khen ngợi khi thấy trẻ chào bạn hoặc người lớn tuổi, khi con xin phép để làm một việc gì đó và khi con nói cảm ơn. Hầu hết các con đều có thể nói ” xin chào” khi gặp một người mới và không gặp vấn đề gì lớn trong giao tiếp trước tuổi đến trường. Và nếu phạm lỗi trong tình huống giao tiếp, trẻ sẽ lặng lẽ sửa chữa theo cách riêng của mình. Do đó, cha mẹ hãy phản ứng một cách bình tĩnh và coi những sự cố mà trẻ gặp phải như là một cơ hội để con có thể học tập và rút kinh nghiệm. Cha mẹ cứ yêu thương và mềm mỏng điều chỉnh cho con khi mắc lỗi, dần dần trẻ sẽ tiến bộ và có cách cư xử làm chúng ta vui mừng.
2. Giai đoạn trẻ từ 4 – 9 tuổi
Trẻ em đến tuổi đi học đã biết được đúng – sai một cách nhạy cảm hơn, nhưng trẻ vẫn cần điều chỉnh hành vi cho đến khi trưởng thành. Vì hầu hết trẻ ở lứa tuổi này đều thích được tham gia hoạt động với bạn bè, thăm hỏi người thân, họ hàng. Trẻ sẽ có nhiều cơ hội để thực hành giao tiếp, có động lực để tìm hiểu những gì cần biết trong quy tắc ứng xử. Cha mẹ cần dạy trẻ biết nói những lời đề nghị lịch sự như: xin vui lòng, cảm ơn bạn, tôi có thể, hoặc xin lỗi, cho phép tôi…Khi chưa được sự đồng ý, trẻ không được đụng vào các vật dụng cá nhân mà không có sự cho phép; không được tự ý lấy thức ăn hoặc đồ uống. Hoặc nếu được phục vụ một thứ gì đó mà mình không quan tâm, trẻ cần nói “ không, xin cảm ơn”…
Mỗi gia đình đều có quy tắc riêng, nếu trẻ cảm thấy không thoải mái, hoặc muốn được về nhà thì cha mẹ không nên bắt ép trẻ. Nếu thăm gia đình người thân, trẻ nhút nhát hoặc không có cách ứng xử cơ bản trong hành vi của mình, cha mẹ nên chờ đợi cho đến khi trẻ sẵn sàng hãy khuyến khích cho con ở lại chơi. Trẻ cần biết những gì chúng cần làm và không nên làm khi đến thăm nhà người khác.
3. Giai đoạn trẻ từ 10 – 12 tuổi
Ở độ tuổi này trẻ vẫn cần phải học hỏi nhiều điều trong giao tiếp bởi có nhiều vấn đề riêng tư phát sinh. Cha mẹ có thể vẫn phải nhắc nhở con thực hiện các phép tắc lich sự như gõ cửa trước khi vào phòng; luôn xin phép khi vào phòng riêng của ai đó; khoác áo choàng lúc ra khỏi giường khi còn mặc đồ ngủ… Nếu con là anh/ chị lớn trong gia đình, cha mẹ hãy cho con làm gương về cách cư xử xã giao cho em trai, em gái noi theo. Hãy cho trẻ cơ hội truyền đạt, dạy lại cho em những điều cơ bản trong giao tiếp và để trẻ biết được niềm tin của cha mẹ vào khả năng của con. Từ đó cha mẹ sẽ giúp con hình thành được cách cư xử chuẩn mực và thành công hơn trong các tình huống giao tiếp.
Đăng ký test cho con
Hotline: 0904.852.731