Có những lúc bạn cảm thấy bất lực, có những lúc bạn cảm thấy bực bội, thậm chí có ác cảm, không có sự gần gũi với con vì con quá bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Bạn muốn tìm ra lối thoát, tháo gỡ những vấn đề của con. Bạn tìm cho con đi học, tìm những trung tâm can thiệp tâm lý để con kiềm chế được sự bướng bỉnh của bản thân, ngoan ngoãn hơn, biết nghe lời hơn. Nhưng điều đó là chưa đủ, bạn lại quên mất chính gia đình bạn mới là “cái nôi” của sự phát triển toàn diện của trẻ. Gia đình phải là những người bạn luôn đồng hành cùng với con. “Làm bạn với con” cũng không phải là khó cũng không phải là dễ nếu tiếp cận với con sai hướng. Bạn có thể tham khảo một số điều sau:
Gia đình là môi trường trải nghiệm kiến thức của con
Cha mẹ phải tạo cho con cảm thấy gia đình là môi trường cho con trải nghiệm những kiến thức đã học ở trường. Khi trẻ vận dụng tốt các nguyên tắc, kiến thức trên lớp khi ở nhà thì khi ra ngoài con sẽ biết cách ứng xử lịch sự trong từng tình huống khác nhau.
Gia đình phải có sự đồng nhất trong việc giáo dục con cái với nhà trường. Nhiều trường hợp khi trẻ đến lớp thì con rất ngoan, vận hành các nguyên tắc lớp học, chào hỏi rất tự giác nhưng khi về nhà thì trẻ lại rất bướng, không có nguyên tắc. Lúc này bạn phải xem lại khi ở nhà bạn có tạo cho con cơ hội để thực hiện nguyên tắc đó hay không? Bạn có cho con được thực hành thường xuyên hay không?
Có một trường hợp “Học sinh đi học ở lớp ngồi học đúng tư thế nhưng học sinh đó lại hỏi lại tại sao phải ngồi đúng tư thế, ở nhà dì con toàn ngồi cho chân lên trên ghế thôi”. Như vậy, nếu môi trường giáo dục ở nhà đối lập với ở trường như vậy sẽ không thể hình thành cho con thói quen tích cực được từ những việc nhỏ nhất.
Cũng như các nguyên tắc khác cũng vậy, nếu ngay từ đầu bạn đưa ra nguyên tắc và yêu cầu con bạn thực hiện theo thì con sẽ hình thành cho mình thói quen tích cực, ngấm dần vào tư duy của con từng ngày. Nếu con không làm, chống đối và bạn thỏa thuận với con thì lần sau con sẽ được nước lấn tới và sẽ dần phá vỡ nguyên tắc bạn đưa ra. Khi con mắc sai lầm bạn cũng nên xem xét trong từng hoàn cảnh, từng trường hợp để có mức kỷ luật phù hợp, cũng không nên quá cứng ngắc sẽ gây sự phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ con.
Cha mẹ lắng nghe suy nghĩ của con
Cha mẹ phải luôn lắng nghe ý kiến của con, con muốn gì, con đang nghĩ gì? Lắng nghe con nói những nguyên tắc cha mẹ đưa ra cho con con có ý kiến gì không? Con thấy có đúng không? Sau đó phân tích cho con ý nghĩa của từng nguyên tắc, ý nghĩa của việc chào hỏi, ý nghĩa của lời xin lỗi, cảm ơn…hay tác hại của nói dối, tác hại của việc trộm cắp, lấy đồ, tác hại của việc ăn vạ, đòi hỏi…
Cha mẹ luôn đặt mình vào vị trí của con để suy nghĩ
Cha mẹ phải luôn đặt mình vào vị trí của con để suy nghĩ, không nên áp đặt với con dễ dẫn đến việc trẻ bị ép buộc làm chứ không tình nguyện. Cha mẹ luôn có tư tưởng áp đặt suy nghĩ của mình cho con mà ít khi quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con khi đón nhận nó như thế nào? Cha mẹ cũng không nên than phiền khi con có những hành vi ngỗ ngược trước mặt con với người khác, như vậy sẽ gây ra cho mọi người nhìn con với ánh mắt không thiện cảm khiến con có những suy nghĩ tiêu cực hơn
Để cho trẻ có thể thích ứng được với những thay đổi nào đó thì cha mẹ nên cho con có cơ hội trải nghiệm về cảm xúc, suy nghĩ về điều đó trước thông qua sự trao đổi, nói chuyện của cha mẹ với con cái
Gia đình là một sân chơi cho trẻ
Tại sao lại nói gia đình là sân chơi cho trẻ?
Gia đình sẽ là một sân chơi bổ ích cho con nếu biết cách tận dụng nó. Có rất nhiều trẻ nhút nhát, thiếu tự tin khi ra ngoài, thiếu tự tin trước đám đông, thiếu tự tin trên sân khấu…Vậy tại sao lại không tạo gia đình của chính mình thành môi trường trải nghiệm cho trẻ.
Không cần quá nhiều thời gian để tổ chức, mỗi buổi tối, hay những ngày nghỉ chỉ cần tổ chức các cuộc thi vẽ tranh thuyết trình, đọc thơ, kể chuyện, đóng tình huống có thực tế…có khán giả, có MC, có thí sinh thi như vậy trẻ sẽ quen với môi trường đó. Khi ra với thực tế thì trẻ sẽ thích ứng nhanh hơn, ít bỡ ngỡ hơn.
Hoặc gia đình cùng với con có những cuộc thi nói ra mong muốn của bản thân, ai nói được nhiều nhất, nhanh nhất thì sẽ thắng. Sau khi con nói được những mong muốn của mình rồi thì sẽ hỏi lý do tại sao lại muốn vậy. Như vậy, thông qua những cuộc thi, trò chơi, tương tác thường xuyên giữa cha mẹ và con thì sẽ có sự thấu hiểu hơn giữa cha mẹ và con.
Làm bạn với con chính là cơ hội để cha mẹ thấu hiểu con hơn vì vậy các bậc phụ huynh hãy “Lắng nghe – thấu hiểu” suy nghĩ của con cái