“Đã bao nhiêu lần bạn lắng nghe và chia sẻ với con?”. Không ít bậc phụ huynh đã ngỡ ngàng khi được hỏi về điều này. Trong công việc, chúng ta luôn lắng nghe cấp trên và chia sẻ những khó khăn với cấp dưới. Trong cuộc sống, chúng ta sẵn sàng dành hàng giờ để cà phê, tán gẫu với bạn bè. Vậy tại sao chúng ta lại thờ ơ với tiếng nói của chính con cái mình? Giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái sẽ tạo thêm sự gần gũi ấm áp giữa hai thế hệ, giúp trẻ tự tin khi trao đổi với người lớn và khi trưởng thành, trẻ sẽ học được cách bảo vệ chính kiến của mình. Vậy cha mẹ phải làm gì để giao tiếp tốt với con?
Lắng nghe tích cực
Hãy lắng nghe và thấu hiểu con cái thay vì vội vàng phán xét. Đôi khi có những việc đối với trẻ nhỏ là vấn đề, nhưng đối với người lớn chúng ta, là rất buồn cười. Vì vậy, đừng dùng cái nhìn của người lớn và phán xét, hãy đặt mình vào vị trí của con để đi vào thế giới của chúng, để hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Khi con bạn bực tức, hãy dành cho chúng cơ hội để trút ‘bầu tâm sự’. Hãy nói ít và khuyến khích chúng bằng những câu “Nói tiếp đi,” hay là có thể giữ im lặng.
Rất khó tránh được thói quen muốn nhảy ngay vào vấn đề với một giải pháp hay ngắt ngang câu chuyện của con bạn, đứa trẻ cần có cảm giác được lắng nghe. Người lớn thường hay than vãn, biểu lộ cho trẻ thấy những khiếm khuyết của vẻ bề ngoài hay một tật xấu nào đó làm cho trẻ mặc cảm, không còn tự tin ở bản thân mình nữa.
Vậy, để giúp con trẻ tự tin, cha mẹ chúng ta hãy tìm ra những điều tích cực trong khiếm khuyết của con, cho con nhận thấy không có gì sai hay kém cỏi trong những thiếu sót đó. Từ đấy, trẻ sẽ biết trân trọng, yêu thương bản thân mình, thay vì lo lắng và muốn thay đổi bằng mọi giá. Nhất là hình thức bên ngoài của trẻ.
Hãy là người dẫn đường của con
Con cái sẽ học mọi thứ từ cha mẹ. Cho nên trước khi than phiền rằng con rụt rè, hay không đủ can đảm để khám phá học hỏi thêm những điều mới lạ; bạn cần nghiêm khắc xem lại chính bản thân mình. Bạn có hay than phiền về những chuyện xảy ra ở công ty? Bạn có thường kể lể về những cuộc gặp gỡ của bạn với người khác? Bạn có hay than vãn về cuộc sống của mình? Bạn có luôn đổ lỗi khi thất bại trong công việc hoặc chán nản bỏ cuộc?
Thử trả lời những câu hỏi trên, và suy nghĩ thêm về những việc bạn thường làm hằng ngày, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng: “Con của bạn hành xử trước những tình huống trong cuộc sống đúng như cái cách mà cha mẹ chúng vẫn thường phản ứng”. Cho nên, nếu bạn muốn thay đổi con của mình, muốn con tự tin hơn từ ngày hôm nay thì chính bản thân bạn cần làm điều đó ngay từ ngày hôm nay trước đã.
Hãy là người đồng hành cùng con.
Hãy tin tưởng và bình tĩnh trước những điều con chia sẻ, để câu chuyện của con được trọn vẹn. Sau đó ta cũng chia sẻ với con những kinh nghiệm bản thân để con lựa chọn thay vì áp đặt. Bởi vì, bạn sẽ không hiểu mọi chuyện bằng người trong cuộc. Sau một thời gian, bạn nhớ hỏi con đã giải quyết mọi chuyện ra sao? Đóng góp với con những suy nghĩ tích cực, để con có thêm kinh nghiệm giải quyết rắc rối những vụ việc tương tự.
Đừng bao giờ, để con bạn cảm thấy đơn độc, không ai hiểu mình sinh ra khép kín. Trở nên một con người tự ti, mất niềm tin trong cuộc sống. Khi con cái chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm riêng tư, sâu kín, cha mẹ hãy tạo cảm giác thoải mái nhất cho con để chúng vô tư thể hiện. Con cái có những tính cách riêng khác biệt với bố mẹ. Hãy tôn trọng những điểm khác biệt đó, như vậy, cha mẹ đang dạy cho con ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.
Khi con cái phạm sai lầm, đừng vội vàng phán xét hoặc nhiếc móc chúng. Ai cũng có lúc phạm sai lầm và trưởng thành bằng chính những sai lầm đó. Khi biết mình đã sai, con cái cần một điểm tựa tinh thần và cha mẹ chính là bến bờ để con cái trở về và thấy yên bình nhất.
Mỗi người đều có nhu cầu được yêu, được hiểu, chia sẻ và cảm thông. Con cái chính là niềm tự hào của cha mẹ. Làm gì để giao tiếp tốt với con? Hãy luôn quan tâm và dành thời gian để trò chuyện với trẻ. Hãy ngừng đọc báo, xem tivi, và tập trung vào điều trẻ muốn nói. Đó không chỉ là cách bạn thể hiện tình yêu thương đối với con mà còn là cách rèn luyện trẻ những kỹ năng giao tiếp hữu ích.