Bạn thấy những đứa trẻ khác nói chuyện rất nhiều, rất tự tin, dường như nguồn năng lượng luôn tràn đầy trong chúng và bạn nhìn lại con mình nhút nhát, thiếu tự tin, khi rời bố mẹ là khóc, ăn vạ. Bạn ước con mình có được một phần tự tin như con người khác nhưng con bạn vẫn ngày càng nhút nhát hơn? Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao con mình lại nhút nhát? Tại sao con mình lại tự ti? và làm sao giúp con tự tin hơn?. Bạn đã bao giờ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tính nhút nhát thiếu tự tin của con?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tính nhút nhát là do con ở nhà được nuông chiều, việc gì cũng luôn được người khác làm hộ dẫn đến trẻ luôn ỷ nại và bị thụ động trong mọi việc. Bên cạnh đó, ở trường, lớp con không có nhiều cơ hội để trải nghiệm, trong lớp không dám giơ tay phát biểu vì sợ sai, ngại giao tiếp với người khác do ngôn ngữ và cách diễn đạt của con chưa tốt.
Muốn khắc phục được tính nhút nhát, thiếu tự tin trước đám đông của trẻ bạn phải tìm được nguyên nhân con nhút nhát như vậy là do đâu? Điều gì khiến con sợ hãi? Bạn tìm hiểu con thiếu tự tin khi nào: Thiếu tự tin trên lớp học; thiếu tự tin khi giao tiếp, gặp gỡ người lạ; thiếu tự tin khi đứng biểu diễn trên sân khấu…
Có nhiều trẻ khi ở nhà rất tự tin, nói nhiều nhưng khi ra ngoài lại thành con người khác do con được tiếp xúc với môi trường bên ngoài quá ít, giao tiếp với người khác quá ít và luôn được bao bọc bởi bố mẹ, gia đình. Vì vậy, muốn giúp con tự tin hơn điều quan trọng cha mẹ cần chú ý:
Rèn cho con tính tự lập
Khi muốn giúp con tự tin hơn bạn phải rèn cho con tính tự lập trước, bạn phải cho con rèn với môi trường “Thử và sai” phải cho con làm thì con mới biết sai ở đâu và phải làm như thế nào cho đúng. Như vậy con sẽ hình thành cho mình suy nghĩ tích cực: “Không thử thì làm sao biết là đúng hay sai; sai có thể sửa lại” và con sẽ thấy rằng việc thất bại rất bình thường, không phải lo lắng hay tức giận.
Trẻ sẽ học được muốn thành công phải trải qua những khó khăn, thử thách chứ không phải thành công bằng việc bố mẹ cố gắng loại bỏ những khó khăn cho con. Điều quan trọng là bạn hãy nên giữ im lặng và đừng can thiệp quá sâu vào vấn đề mà trẻ đang tìm cách tự giải quyết.
Gia đình luôn làm bạn cùng con
Cha mẹ, gia đình phải là những người đầu tiên tạo môi trường, niềm tin, trò chuyện, khơi gợi cho con biết nói ra những điều mình muốn, những suy nghĩ của mình muốn cho người khác hiểu phải thể hiện bằng hành động. Cha mẹ phải luôn tạo ra các cuộc thi cùng với con như thi hát, kể chuyện, đọc thơ, đố vui, thi thuyết trình tranh…để con được biểu diễn như trên sân khấu, có mc, có khán giả như vậy con cảm thấy hứng thú và quen dần với môi trường khi đứng trên sân khấu sẽ có cảm giác như thế nào? Và sẽ không còn ngại ngùng, bỡ ngỡ khi đứng trên sân khấu hay đứng thể hiện trước lớp.
Cha mẹ phải thường xuyên cho con đọc thơ, kể chuyện và con tóm tắt lại câu chuyện, tự đặt những câu hỏi cho bố mẹ, tự rút ra bài học sau mỗi câu chuyện…Hoạt động này sẽ rèn cho trẻ cách đặt và giải quyết vấn đề, tò mò và khám phá những điều mình chưa hiểu. Như vậy khi học trên lớp con cũng tự tin khi đặt câu hỏi, trả lời trên lớp mà không sợ sai.
Cho con tham gia vào các hoạt động tập thể ở trường, ở câu lạc bộ như văn nghệ, thể thao, tình nguyện, nấu ăn, vui chơi công viên để con có cơ hội giao tiếp với nhiều người giúp con hòa nhập và giao tiếp với nhiều người để rèn luyện sự tự tin, tự lập, ngôn ngữ diễn đạt của bản thân.
Dạy trẻ học cách yêu bản thân
Cha mẹ phải luôn động viên con tin tưởng vào bản thân và phải luôn có nhưng suy nghĩ tích cực như: “Tôi sẽ làm được, tôi rất giỏi, không có gì đáng sợ…”
Cha mẹ phải biết hướng dẫn con khi thấy không thoải mái thì hãy hít thở thật sâu sẽ giúp con bình tĩnh, kiềm chế nỗi sợ hãi của mình. Muốn tự tin con phải hình thành cho mình phong cách tự tin trước “Phải luôn đứng thẳng người, vai hướng về phía sau, đầu luôn ngẩng cao và miệng mỉm cười” là những trạng thái tích cực của cơ thể có khả năng giúp con tức khắc xua biến đi những cảm giác tồi tệ những lúc thiếu tự tin nhất
Tuy nhiên, sự tự tin quá sẽ dẫn đến tính kiêu căng vì vậy con phải biết được đâu là điểm dừng đúng lúc.
Hãy để trẻ nuôi dưỡng giấc mơ của mình
Cha mẹ để con tự do tưởng tượng về những nhân vật con muốn trở thành sau này, từ đó con sẽ biết được rằng muốn được trở thành nhân vật đó phải có những tính cách như thế nào? Ví dụ con muốn trở thành chú cảnh sát, bộ đội thì con phải biết giúp đỡ người khác, phải luôn ngoan ngoãn, học giỏi…
Gia đình luôn bên con khi con thất bại
Muốn giúp con tự tin thì gia đình phải luôn bên con khi con thất bại và động viên con hãy tự đứng lên từ sự thất bại đó. Phải luôn cho con thấy được tình yêu thương của gia đình, gia đình luôn ở sau ủng hộ con. Ví dụ, có rất nhiều trẻ lần đầu tiên gặp người lạ chúng thường e dè hoặc có những phản ứng thái quá như nói trống không, không chào hỏi, đánh, la hét…Vì vậy, người lớn hay quy chụp cho con là hư, hỗn láo và bị bố mẹ mắng, trách phạt. Tuy nhiên, việc ép buộc trẻ có thể sẽ gây tác dụng ngược nên hãy để trẻ có những lúc thoải mái. Thay vì ép buộc người lớn hãy làm tấm gương trước để trẻ học theo.
“Làm sao giúp con tự tin hơn” là một câu hỏi không phải quá khó để trả lời và khắc phục, điều quan trọng cha mẹ hãy luôn quan tâm và lắng nghe những điều con mong muốn!