Người lớn không làm gương, sao dạy được trẻ! Mỗi đứa trẻ khi sinh ra không có bản năng làm người tốt hay người xấu. Mọi phẩm chất tốt hay xấu đó đều được tạo nên từ những thói quen thường ngày và chính gia đình là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của trẻ.
Gia đình là nơi trẻ gắn bó mật thiết nhất. Có thể nói cách sống, cách hành xử hàng ngày như từng câu nói, từng hành vi của những người xung quanh, đặc biệt là củacha mẹ sẽ như những mạch ngầm, ngấm dần vào trí nhớ của các em. Điều này tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách sống của các em sau này.
Có thể nói việc giáo dục trẻ trong xã hội hiện đại là một vấn đề phức tạp. Làm sao để ngăn ngừa được những tác nhân xấu đến nhân cách của trẻ?
Nhiều gia đình rất đông con, nghèo khổ nhưng con cái của họ rất chăm ngoan và học giỏi, ngược lại một số gia đình chỉ có một quý tử thôi mà lúc nào cha mẹ cũng phải đau đầu với việc dạy dỗ. Như vậy, vấn đề giáo dục trẻ em đối với những ông bố bà mẹ trẻ hiện nay đòi hỏi nhiều sự thay đổi về phương pháp.
Trước đây, ông bà sinh thành dưỡng dục thế hệ cha mẹ chúng ta, ông bà dạy theo phương pháp “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đến cha mẹ chúng ta cũng dạy chúng ta theo phương pháp ấy. Nhưng con cái của chúng ta hiện nay không thể áp dụng được phương pháp này, một số cha mẹ đã nặng lời với trẻ và kết quả là con cái của họ bỏ nhà đi. Thật nguy hiểm khôn lường khi mà một đứa trẻ bỏ nhà ra đi rồi phải đối diện với vô vàn cạm bẫy trong xã hội ngày nay. “Dạy con từ thuở còn thơ”- nhân cách trẻ như tờ giấy trắng, chúng nhìn thấy cha mẹ làm gì chúng sẽ làm theo, phương pháp nêu gương tốt để dạy trẻ là một phương pháp tối ưu nhất.
Ví dụ: Ngay từ nhận thức và văn hóa của rất nhiều người làm cha, làm mẹ không tốt, đèo con đến trường đầu không đội mũ bảo hiểm, lấn làn, leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ… vậy thử hỏi đứa trẻ ngồi sau xe đó lớn lên có nhận thức, có văn hóa tốt hay không? Trước hết cha, mẹ và những người lớn nên tự làm gương trước đã, xem lại trách nhiệm của mình trong việc giáo dục trẻ…
Bạn không thể cấm con mình chơi game khi chính bạn cũng suốt ngày cắm đầu vào máy tính, có thể bạn không chơi game nhưng lại ngồi trước máy tính hàng giờ để đọc báo, làm việc, giải trí…Con bạn cũng sẽ thấy việc ngồi bên máy tính hàng giờ không phải là chuyện nguy hiểm và chúng nghĩ rằng chơi game, ngồi giải trí trên máy tính cũng không có tác hại gì.
Một số phụ huynh thường cho bé chơi với điện thoại để dỗ bé ăn và bé thấy thích chơi với điện thoại từ lúc chưa được một tuổi, chúng ta không thể lường trước những tác hại từ việc cho con chơi điện thoại, máy tính nên vì thế một số người lại tự hào một cách phi lí khi bé còn nhỏ mà đã thông thạo máy tính, điện thoại.
Người lớn không làm gương, sao dạy được trẻ! Đó là điều không thể bàn cãi!