Cần biết phân biệt giữa trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ tự ki để không bị sai đường lối điều trị cho trẻ
Các cha mẹ trong thời hiện đại dường như khá khổ sở trong sự nhạy cảm thái quá khi sợ con trẻ bị tăng động giảm chú ý hoặc tự kỷ. Nhưng vì tự đọc trên internet sau đó tự nghĩ và dán nhãn cho con nên nhiều khi không phân biệt được con bình thường và con bị mắc các hội chứng đó. Mặt khác, kể cả con có bị mắc phải các chứng này thì cũng hoang mang không phân biệt được con bị mắc tăng động giảm chú ý hay bị tự kỷ để rồi bị sai lệch trong đường lối điều trị nên khiến con trẻ có nguy cơ bị tệ hơn. Vì vậy, ngoài việc phải thực sự tỉnh táo phân biệt con có bị mắc chứng đó hay không thì hãy phân biệt chứng tự kỷ và tăng động giảm chú ý giống nhau và khác nhau như thế nào.
Cần hiểu rõ về hội chứng tự kỷ và tăng động giảm chú ý
- Tự kỷ là các rối loạn phát triển phức tạp liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh não bộ, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, hành vi, tương tác xã hội và khả năng học tập, giống như một khuyết tật trí tuệ thể hiện rõ rệt trong vòng 3 năm đầu đời của trẻ.
- Tăng động giảm chú ý là chứng bệnh ảnh hưởng đến cách não phát triển, là một rối loạn về hành vi, tính cách, làm cho trẻ khó tập trung, lắng nghe và ngồi yên theo khuôn khổ. Rối loạn này thường xuất hiện trong độ tuổi từ 4 đến 11, bao gồm ba loại điển hình là hiếu động thái quá, không chú ý và kết hợp đồng thời cả hai loại trên.
Như vậy, để thấy rằng tăng động giảm chú ý sẽ dễ dàng hơn trong việc điều trị cho trẻ thông qua điều chỉnh nhận thức, tính cách, hành vi nhưng với tự kỷ thì sẽ cần sự can thiệp đòi hỏi phức tạp hơn và dài hơn.
Cần hiểu đúng về các dấu hiệu của tăng động giảm chú ý và tự kỷ
Trẻ thiếu tập trung
- Giống nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý và tự kỷ có sự tương đồng là thiếu tập trung với các vấn đề cần hợp tác, tương tác nhưng có thể tập trung vào những gì con thích thậm chí tập trung rất sâu.
- Khác nhau: Trẻ tự kỷ có thể sẽ có tập trung tốt hơn vào những gì mà con thích và chỉ tập trung vào thứ đó (ví dụ như thích ô tô hay khủng long thì con sẽ mãi mãi thích nó). Nhưng với trẻ tăng động giảm chú ý thì không thích thứ gì đến mức tri kỷ như vậy.
Hoạt động hành vi và chơi theo ý mình
- Giống nhau: Trẻ thường hoạt động tự do theo ý mình mà khó để hợp tác các hoạt động có nguyên tắc với người khác.
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý sẽ sôi nổi hơn và có thể biết cách chơi hơn khi gia nhập được với các bạn cũng hoạt động hành vi nhưng thường theo ý mình nên phá đi các nguyên tắc. Nhưng trẻ tự kỷ thì chỉ chỉ hoạt động hành vi chơi cá nhân là chủ yếu.
Dễ bốc đồng cảm xúc, hành vi tiêu cực
- Giống nhau: Trẻ dễ cục cằn, nổi nóng nếu trái với mong muốn, thậm chí có thể sẵn sàng đánh người khác, la hét, gào thét…
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý sẽ bộc phát tự do với các thái độ khác nhau cho mỗi tình huống. Nhưng trẻ tự kỷ có thể là sự lặp lại cảm xúc đó nhiều lần với mọi tình huống mà không có sự thay đổi.
Thích nghi và tương tác kết bạn kém
- Giống nhau: Trẻ khó thích nghi và kết bạn với bạn bè, có xu hướng chơi cá nhân nhiều hơn là tập thể.
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý vẫn có khả năng chơi được với bạn chỉ là không thể theo được các nguyên tắc cuộc chơi, hay phá đám thậm chí hay gây xung đột với các bạn. Nhưng trẻ tự kỷ thì không có khả năng chơi, thường chơi cá nhân và không có nhu cầu chơi.
Khả năng giao tiếp xã hội
- Giống nhau: Trẻ kém tư duy ngôn ngữ và giao tiếp xã hội.
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý vẫn có nhu cầu nói, khả năng nói thậm chí nói rất nhiều nhưng không biết diễn đạt mà nói lung tung, lộn xộn không đúng ý hoặc chỉ theo sự tưởng tượng tự do mà không cần nghe ai đang nói gì. Nhưng trẻ tự kỷ thì chậm nói thậm chí rất khó để tự có ngôn ngữ mà phải can thiệp để dạy con với quá trình vất vả hơn.
Về tính nguyên tắc
- Giống nhau: Khó thực hiện theo các nguyên tắc chung mà chỉ thực hiện tự do theo ý mình.
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý không thể thực hiện được theo bất kỳ nguyên tắc nào chúng luôn phá vỡ lộn xộn, không thể kiên trì được. Nhưng trẻ tự kỷ thì dễ có kỷ luật và kiên trì hơn khi chúng có sự luôn lặp lại các nguyên tắc, hành vi một cách máy móc, dập khuôn.
Về trí tuệ và não bộ
- Giống nhau: Trẻ luôn khó có mạch tư duy hoàn chỉnh nên có sự hạn chế hơn về trí tuệ đa dạng giống như các con trẻ khác, đặc biệt về học tập sẽ luôn khó khăn hơn.
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý không đến mức độ không thể tiếp thu nhưng chúng thường không có nhu cầu để ghi nhớ hay tư duy để từ đó nghe trước quên sau hoặc lúc nào thích thì nhớ lâu lúc thì không nhớ được gì. Nhưng với trẻ tự kỷ thì có hai dạng có thể ghi nhớ rất tốt, rất thông minh ở một mạch nào đó nhưng cũng có thể là chậm nhận thức đến mức độ dạy một thứ gì đó để con làm được là cả một sự khổ sở của người dạy.
Về cảm giác và cảm nhận
- Giống nhau: Trẻ yếu trong cảm nhận các vấn đề xung quanh nên thường khó để tự học hỏi từ môi trường sống.
- Khác nhau: Trẻ tăng động giảm chú ý do chỉ hoạt động hành vi mà không có nhu cầu quan tâm để ý bất kỳ vấn đề gì xung quanh, mặt khác do hoạt động chỉ theo ý mình nên càng không có nhu cầu cảm nhận thế giới xung quanh khác với mối quan tâm của mình nhưng nếu như được dạy thì con sẽ có khả năng cảm nhận rất tốt. Tuy nhiên, với các con tự kỷ thì cảm nhận rất yếu vì con luôn chỉ hoạt động cá nhân theo lô cốt máy móc của bản thân, và nếu dạy thì con sẽ thay đổi rất chậm, thậm chí khó thay đổi.
Các con mắc chứng nào thì cũng luôn là sự thiệt thòi của các con và sự vất vả hơn của cha mẹ. Vì vậy, dù con ở trong ngưỡng nào cũng hãy thực sự bình tĩnh để các con có được sự đúng hướng của cha mẹ. Tất cả luôn là sự kiên trì, tỉ mỉ đồng hành cùng con nên hãy bản lĩnh và tỉnh táo nhé các cha mẹ!