Phương pháp dạy con ngoan

 

Nhiều bậc phụ huynh đau đầu khi con nghịch ngợm, cãi lại và không nghe lời. Mặc dù đã đưa ra rất nhiều biện pháp cho con nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn. Vậy làm sao để con trở nên ngoan ngoãn và nghe lời? Chúng ta không lạ gì khi bắt gặp những đứa trẻ mè nheo bố mẹ ở các nơi như siêu thị, công viên…để đòi những thứ mà chúng thích từ người lớn. Những lúc như vậy không ít phụ huynh bị lúng túng không biết nên xử lý thế nào. Có rất nhiều phương pháp dạy con ngoan, dưới đây là một vài cách phụ huynh có thể tham khảo

1. Khi con hư chỉ phê bình hành động của con chứ không phê bình con người con

Nếu khi con bị mắc lỗi mà bố mẹ mắng con là “sao con hư vậy”, “con hư vừa thôi” thì chắc chắn trong con sẽ có sự mặc định là mình là đứa trẻ hư và như thế những lần sau con cũng không chú ý về hành động của mình vì “đằng nào cũng hư rồi”

Cùng một hành vi con làm vỡ cốc, nếu khi cha mẹ mắng “Con hư quá” thì trẻ sẽ cho rằng mình đã “hư” rồi nên hư luôn, còn nếu cha mẹ nói “chiếc cốc yêu quý thứ 3 của mẹ lại bị vỡ rồi” thì chắc chắn con bạn sẽ nhận ra hành động của mình là sai và mình phải có trách nhiệm giữ gìn đồ vật trong gia đình.

Khi con phạm lỗi nhiều phụ huynh sử dụng đòn roi để khiến con ngoan hơn, ví dụ khi con bị điểm kém thì con sẽ bị đánh đòn. Bị đánh không làm thay đổi cách cư xử của con tích cực hơn mà vô tình khi các bậc phụ huynh lạm dụng đòn roi sẽ khiến trẻ luôn tìm cách đổ lỗi, biện hộ và tìm cách né tránh nhằm “bảo vệ bản thân mình”.

Nhiều khi như vậy trẻ chỉ nhớ đến những hình phạt chứ không nhớ đến lý do mà chúng bị phạt, do vậy trẻ không có định nghĩa phải thay đổi hành vi của mình.

2. Không nên “mua chuộc” con bằng phần thưởng

Cách dùng phần thưởng để thưởng cho con không phải là hành động xấu, nhưng nếu không biết cách thì đó được xem như một hành động “hối lộ” con và điều đó không thể khiến trẻ trở thành những đứa trẻ ngoan. Chỉ thưởng trong những trường hợp thật cần thiết để động viên tinh thần và sự cố gắng của con nhưng phần thưởng tuyệt nhiên không được quá lớn so với thành tích mà con đạt được. Ví dụ: Nếu tuần này con được 3 điểm tốt con sẽ được đi chơi công viên, 4 điểm tốt con sẽ được tặng một món quà…

Nhiều gia đình quá lạm dụng phần thưởng để khiến con ngoan. Ví dụ: Con quét nhà cho mẹ thì mẹ sẽ mua cho con một chiếc xe đạp mới….Như vậy con sẽ không có tính tự giác, chủ động trong công việc và con sẽ luôn đòi hỏi “con sẽ được gì khi làm vậy”, con sẽ không làm gì khi không có phần thưởng, từ đó trẻ rất dễ sinh hư.

Khi con làm tốt một việc gì cũng cần có những phần thưởng cho con, có thể áp dụng phương pháp “bảng điểm”. Với phương pháp dạy con này sẽ tích điểm của con theo tuần hoặc theo tháng, khi con làm tốt một việc gì đó con sẽ được cộng 1 điểm, khi làm sai việc gì thì con sẽ bị trừ điểm.

Khi tổng kết cuối tuần nếu số điểm dương thì sẽ thưởng cho con một món quà mà con thích, nếu số điểm âm thì sẽ lấy đi một món đồ mà con yêu thích. Như vậy, con sẽ có trách nhiệm hơn trong những hành động của mình, thấy được giá trị của những thứ mình có được để từ đó biết trân trọng và giữ gìn.

3. Đưa ra quy luật cho trẻ

Để đưa ra được một quy luật mà trẻ có thể chấp hành theo thì khi soạn thảo quy luật thì cần phải có sự tham gia  của trẻ và chính cha mẹ cũng phải nghiêm chỉnh thực hành theo luật đã đề ra. Ví dụ mỗi ngày con được chơi điện tử 30 phút sau giờ học thì sau khi chơi xong con không được phép ngồi trước máy tính mà quên đi những việc mình cần phải làm.

Tôi xin được trích một câu nói mà tôi cảm thấy khá hay, đó là: “Muốn con ngoan thì phải học cách dạy con. Muốn con khỏe thì phải học cách nuôi con. Muốn con thành công thì phải học cách hướng dẫn và đồng hành cùng con. Muốn con gần gũi gắn bó với mình, thì phải học cách lắng nghe và chia sẽ cùng con. Đừng buộc con phải lớn lên như kiểu cây Bonsai nhưng cũng đừng để con phải lớn lên như cây dại.”

4. Phải kiên định nhất quán với con

Khi con liên tục lặp lại đòi hỏi “Con muốn con khủng long kia”, có thể bố mẹ sẽ đưa ra hàng loạt các lý do để thuyết phục con không mua con khủng long đó. Tuy nhiên khi câu nói của con kèm theo hành động la khóc, nằm lăn ra đất để đòi thì bố mẹ thường đầu hàng đòi hỏi đó của con và đáp ứng con. Như vậy thì lần sau con cũng sẽ áp dụng những cách đó để bố mẹ làm theo ý chúng.

Trong trường hợp khi con đòi hỏi như vậy bố mẹ vẫn giữ một thái độ mình tĩnh và trả lời nhất quán một câu “Hôm nay không mua được”, lặp lại nhiều lần như vậy thì trẻ sẽ phải từ bỏ đòi hỏi của mình vì chúng biết nếu có tiếp tục thì chúng cũng vẫn bị từ chối như vậy. Do đó trẻ cũng hiểu được mè nheo cũng không đem lại hiệu quả gì.

Để một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn thì khi đưa ra phương pháp các phụ huynh cũng cần phải cân nhắc sao cho phù hợp với tính cách của con mình. Các phương pháp cũng chỉ mang tính chất tương đối để các bậc phụ huynh tham khảo. Khi sử dụng các phương pháp dạy con ngoan cũng cần linh hoạt không nên cứng nhắc, nhiều khi nếu áp dụng sai cách sẽ làm cho trẻ phát triển lệch lạc. Người lớn cũng nên làm gương cho trẻ để trẻ học hỏi luôn từ hành vi ứng xử của bố mẹ, đó cũng là cách để chúng ta xây dựng lên những yếu tố tích cực trong trẻ.

Call Now Button