Giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn tốt nhất để phát triển trí tuệ cho trẻ. Trước 2 tuổi là thời kỳ tốt nhất để phát triển về mặt tổ chức, xã hội của trẻ. Vì vậy, phương pháp giáo dục sớm cho trẻ có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển thể xác, chỉ số thông minh, ý thức thái độ tích cực.
Giáo dục sớm là nền tảng, khai mở và phát triển tiềm năng của con người
Trong giai đoạn vàng từ 0 – 6 tuổi, đặc biệt từ 0 – 3 tuổi. Đây là giai đoạn đầu đời của trẻ, chức năng của bộ não được nuôi dưỡng để phát triển. Trẻ được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ cần có chế độ ăn hợp lí, khoa học với đầy đủ các nhóm dinh dưỡng. Bên cạnh đó là trẻ cần được tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài để hoạt động tốt.
Mỗi con người là một kho tàng đầy bí ẩn. Giáo dục sớm là quá trình giáo dục khai thác tiềm năng to lớn của con người. Các nhà khoa khọc đã thừa nhận, những người bình thường chỉ được khai thác từ 3 – 10% khả năng trí tuệ tiềm ẩn. Do đó hơn 90% giá trị tiềm ẩn của con người vẫn tiềm ẩn.
Giáo dục sớm chính là quá trình bồi dưỡng nên nền tảng tính cách của mỗi người.
Nền tảng tính cách của mỗi người được hình thành từ hiện thực cuộc sống ở những năm đầu đời. Trẻ sinh ra không ở cùng cha mẹ thì sau 6 tháng sẽ mất đi cảm giác gần gũi với mẹ. Chúng sẽ bị ảnh hưởng với người mà luôn luôn ở bên.Tuổi ấu thơ sẽ là dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Nói như lời của Krupskaya: “Trải nghiệm thời thơ ấu đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong cuộc đời tôi”.
Ibuka Masaru cũng nói, những thông tin có được khi còn nhỏ sẽ in sâu vào trong não giống như máu và thịt vậy, nó sẽ phát huy tác dụng dài lâu. Vì vậy, có một số người từ nhỏ đã tự hình thành cho bản thân tính cách và thói quen xấu, nếu muốn thay đổi cũng thật khó khăn.
Giáo dục sớm là một bước đột phá của khoa học giáo dục hiện đại, tập trung trong giai đoạn vàng từ 0 (thai nhi) đến 6 tuổi, thời kỳ phát triển nhanh nhất của não bộ. Nghiên cứu về giáo dục trẻ từ sớm đã khẳng định: Cung cấp những trải nghiệm phong phú kích hoạt não trẻ ngay từ sơ sinh và trong lứa tuổi mầm non sẽ hình thành nên hàng tỉ các kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não trẻ, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời.
Nhà giáo dục Nhật Bản Makoto Shichida từng nói: “Không nên đợi đến lúc não phát triển mới sử dụng nó, mà phải thúc đẩy não phát triển ngay trong quá trình sử dụng nó. Giáo dục sớm chính là giáo dục nhằm thúc đẩy chức năng hai bên bán cầu não phải và não trái phát triển một cách tối ưu”.
Khác với phương pháp giáo dục theo kiểu truyền thống, đối với phương pháp giáo dục sớm, trẻ em không hề bị ép học sớm trước tuổi mà được phát triển hết sức tự nhiên, “học mà chơi, chơi mà học”. Với phương pháp “dạy trong linh hoạt, học trong trò chơi, người dạy có ý mà người học vô ý, trong lúc chơi có học và trong học hành có chơi, trẻ tự quen với môi trường và người lớn làm gương dẫn dắt, tích cực động viên khích lệ, yêu thương dạy dỗ nhưng không quá nuông chiều, nuôi dưỡng trẻ có thói quen hình thành tính cách nhất định”.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Bloom đã phát biểu: nếu đến năm 17 tuổi, trí tuệ của một con người có thể phát triển 100% thì vào năm 4 tuổi, trí tuệ của anh ta đã phát triển tới 50%, đến năm 8 tuổi đã phát triển tới 80%, trong 9 năm từ 8 tới 17 tuổi chỉ phát triển thêm 20%.
Vì vậy, phương pháp giáo dục trẻ sớm nhằm kích hoạt tư duy, khai mở tiềm năng trí tuệ của não bộ trẻ một cách tối đa để trẻ có thể phát triển toàn diện về ngôn ngữ, trí tuệ, tư duy, thể chất, tính cách, kỹ năng sống và tiềm năng về năng khiếu.