Các chuyên gia cho rằng cảm giác tức giận là một phản ứng rất bình thường của con người, kể cả trẻ nhỏ cũng vậy. Sự tức giận sẽ không trở nên tiêu cực nếu như con biết cách kiểm soát hành vi và cảm xúc của mình một cách hiệu quả.
Kiềm chế cảm xúc là cả một kỹ năng đòi hỏi cần có quá trình rèn luyện cũng như phương pháp đúng quy trình không chỉ đối với con trẻ mà ngày cả với các bậc làm cha mẹ.Một số phương pháp dưới đây hy vọng sẽ giúp bố mẹ có thể chọn cho con mình phương pháp dạy con hiệu quả và phù hợp nhất nhé.
Kiềm chế cảm xúc và hành vi của bản thân khi tức giận.
1. Giúp trẻ nói ra nguyên nhân của sự tức giận
Trước khi dạy con cách kiềm chế cảm xúc, mẹ hãy tìm cách giúp con nói ra sự tức giận của mình bắt nguồn từ đâu. Đối với nhiều đứa trẻ, việc kể cho ai đó về sự tức giận của mình có thể giúp trẻ bình tĩnh lại và quên đi sự tức giận. Vậy còn nếu trẻ đang giận mẹ thì sao. Lúc này mẹ hãy nhẹ nhàng gợi ý rằng trẻ có thể nói chuyện với bố, với gấu bông hoặc có thể là chú thú cưng trong nhà.
Qua đó, không chỉ trẻ được giải tỏa cảm xúc mà mẹ cũng sẽ hiểu hơn về tâm lý của trẻ, và biết cách rút kinh nghiệm trong từng tình huống cụ thể. Khi hiểu được nguyên nhân gây ra sự giận dữ, mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc giải thích cho trẻ hiểu, và nói với trẻ những cách để tránh những cuộc xung đột tiềm ẩn một cách thông minh nhất.
2. Đặt ra những quy định cho sự tức giận
Sự tư duy, nhận thức của trẻ em vẫn còn nhiều non nớt, sự nhận diện nên – không nên, nguyên nhân – hậu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, bố mẹ hãy đặt ra một vài quy định căn bản cho sự tức giận của trẻ. Khi đặt ra quy định, bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu tại sao cần có những quy định đó. Một điều nữa bố mẹ luôn cần khắc sâu cho trẻ nhớ là sự tôn trọng người khác, dù cho tức giận nhưng chúng không có quyền được thô lỗ, bất lịch sự với bất kỳ ai, kể cả với đồ vật và vật nuôi trong gia đình.
3. Hình phạt nếu trẻ không tuân thủ quy định
Trẻ em luôn cần có sự khích lệ, động viên từ người thân. Khi trẻ tuân thủ các nguyên tắc đề ra, ngoài việc giúp trẻ kiềm chế được sự tức giận, bố mẹ hãy luôn khích lệ, khen ngợi trẻ bằng lời nói. Nếu trẻ có một biểu hiện rất tốt, có thể thưởng cho trẻ bằng một món quà nhỏ. Tuy nhiên, đối với trẻ em cũng cần có nguyên tắc rõ ràng. Nếu trẻ không làm theo nguyên tắc như hung hăng, đập phá đồ, hét lớn,… hãy cắt một số quyền lợi của trẻ như: đồ ăn vặt, trò chơi, các chuyến đi chơi cùng gia đình,… thậm chí có thể phân công cho trẻ thêm công việc nhà hoặc đứng tự kiểm điểm.
Đương nhiên, những điều này đều có trong “luật” đề ra ngay từ đầu nhé. Đồng thời, khi thực hiện hình phạt cần tuyệt đối nguyên tắc để trẻ thấy được hậu quả của những hành vi tiêu cực, mất kiểm soát cảm xúc. Nếu có thời gian, sau khi phạt, bố mẹ hãy để trẻ nói lên suy nghĩ của mình, để con tự nhận định đúng sai, và khích lệ để con cố gắng sửa đổi lần sau.
4. Dạy trẻ điều chỉnh hành vi khi tức giận một cách hiệu quả
Ngoài các nguyên tắc “con không được làm” khi tức giận, mẹ hãy chỉ cho con một số bí quyết để con xử lý khi tức giận. Một số phương pháp mang lại hiệu quả khá cao như: uống nước mát, hít sâu – thở đều, nắm chặt tay, nhắm mắt và xoa hai tay vào nhau đồng thời thở đều,…Bằng cách này trẻ sẽ có những cách xử lý thông minh hơn khi nóng giận, hạn chế xảy ra xung đột.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn
Việc hướng dẫn con kiềm chế sự giận dữ không phải là dễ dàng với bất kỳ bậc phụ huynh nào, đòi hỏi bố mẹ thật sự bình tĩnh và kiên trì. Nhưng sau tất cả những nỗ lực, cố gắng của bố mẹ, nếu như kết quả đem lại quá ít thì bạn có thể tìm đến các chuyên gia về tâm lý – giáo dục. Những lời khuyên từ phía chuyên gia sẽ có giúp bố mẹ có định hướng tốt hơn với từng đối tượng trẻ nhỏ khác nhau, hiệu quả đem lại cũng cao hơn rất nhiều.