Con mất đi sự tự tin

Con mất đi sự tự tin….
Trẻ có tính cách nhút nhát không còn là vấn đề xa lạ trong xã hội ngày nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nhút nhát của trẻ tuy nhiên nguyên nhân lớn lại xuất phát từ chính các bậc cha mẹ. Vậy sai lầm của cha mẹ khiến trẻ nhút nhát là gì và làm thế nào khắc phục tính nhút nhát cho trẻ? Bài viết sau sẽ giúp cha mẹ có câu trả lời.

Chúng ta biết rằng hầu hết các trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi đều xuất hiện tính cách nhút nhát bởi trong thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với trẻ. Trẻ sẽ có xu hướng gần gũi với những người thân quen nhất. Trẻ sẽ cảm thấy gượng gạo và căng thẳng mỗi khi trở thành trung tâm của sự chú ý. Vì vậy, trẻ nhút nhát trong giai đoạn này không có gì là bất thường.

Tuy nhiên, khi trẻ được hơn 3 hoặc 4 tuổi và bắt đầu có nhu cầu vui chơi và tương tác với bạn bè đồng trang lứa mà tính nhút nhát vẫn kéo dài thì cha mẹ cần có giải pháp để giúp trẻ thay đổi.

Những sai lầm nào của cha mẹ khiến trẻ nhút nhát?

Cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có phương pháp đúng đắn và phù hợp để giúp con phát triển tốt nhất. Việc cha mẹ dạy con sai cách cũng sẽ khiến trẻ nhút nhát và thiếu tự tin.

Cha mẹ nuông chiều quá mức sẽ khiến trẻ nhút nhát

Con mất đi sự tự tinSai lầm của cha mẹ khiến trẻ nhút nhát đầu tiên chính là việc cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc trẻ. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng yêu thương trẻ là làm hết mọi việc cho trẻ, trẻ làm gì cũng khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng và luôn muốn giúp đỡ. Mỗi lần trẻ vấp ngã, cha mẹ vội vàng chạy lại để đỡ, dỗ dành trẻ. Cha mẹ chăm sóc trẻ hoàn toàn, không để trẻ tự làm gì. Không những thế, các cha mẹ này còn có thói quen nghĩ hộ trẻ, đưa ra quyết định thay trẻ. Điều này làm trẻ mất đi cơ hội được tự trải nghiệm, tự khám phá thế giới xung quanh và đứng dậy sau những lần vấp ngã. Dần dần, trẻ hình thành tính ỷ lại, phụ thuộc và không tự tin khi làm bất cứ chuyện gì, luôn chờ đợi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người khác.

Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều so với khả năng của trẻ

Khi cha mẹ đặt kỳ vọng quá nhiều vào trẻ nhưng trẻ lại không thể đạt được như vậy thì đa số các cha mẹ sẽ tỏ ra hụt hẫng, thất vọng, dẫn đến việc chỉ trích và tạo áp lực để trẻ đạt bằng được mục tiêu cha mẹ đã đề ra. Đây là công thức hoàn hảo tạo nên một đứa trẻ thiếu tự tin. Khi bị tạo áp lực với những trách nhiệm nặng nề để làm cha mẹ hài lòng, trẻ sẽ luôn cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi. Trẻ sẽ phải sống trong sự căng thẳng, luôn lo lắng nếu không hoàn thành mục tiêu sẽ có hậu quả gì. Điều đó khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân và cảm thấy thiếu an toàn.

Cha mẹ chỉ tập trung vào những điểm tiêu cực, chê bai, quát mắng trẻ

Nhiều khi trẻ muốn chủ động làm một điều gì đó nhưng thay vì tập trung vào những điểm tích cực trẻ đã làm được, thì trẻ lại nhận được những lời bình luận không hài lòng, thậm chí bị chê bai. Ví dụ như trẻ muốn tự rót nước mời mẹ nhưng trẻ chưa đủ khéo để rót nước vào cốc mà không bị đổ ra ngoài. Nếu cha mẹ tâm lý thì sẽ khen trẻ là “Con gái mẹ đã lớn rồi, con đã biết rót nước mời mẹ rồi. Lần sau con đỡ tay phía dưới bình nước thì sẽ rót được khéo hơn không bị tràn ra ngoài con nhé”. Nhưng có thể nhiều cha mẹ ngăn cản ngay bằng những câu như “Thôi để đấy! Lại đổ tràn ra ngoài rồi thấy chưa!…”. Những lời nói không hài lòng như vậy một mặt làm trẻ không biết phải làm thế nào cho đúng. Mặt khác làm cho trẻ học được cách để tránh bị phê bình là không làm gì cả, không tham gia gì cả.

Trẻ thiếu sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ

Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng họ không bao giờ để cho con phải thiếu thốn thứ gì, muốn ăn ngon mặc đẹp hay muốn đồ chơi gì cũng được đáp ứng, tuy nhiên con họ lại thiếu tự tin, nhút nhát. Thực tế cho thấy vật chất không khiến trẻ trở thành một đứa trẻ năng động, tự tin, cởi mở. Vật chất không thể bù đắp được việc thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ dành cho trẻ. Nếu trẻ không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ cha mẹ, trẻ sẽ thiếu đi điểm dựa, thiếu nơi an toàn để chia sẻ, thiếu người bầu bạn để cùng vượt qua những nỗi sợ hãi, giải đáp những thắc mắc của trẻ. Điều đó làm trẻ rụt rè, thu mình và cảnh giác với mọi thứ xung quanh.

Làm thế nào để trẻ hết nhút nhát?

Để giúp trẻ khắc phục nhược điểm nhút nhát, cha mẹ cần xem xét lại việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ của mình. Đừng có thái độ căng thẳng khi giao tiếp với trẻ, tránh mỉa mai, chỉ trích những việc trẻ làm chưa tốt. Hay so sánh trẻ với những những anh chị, bạn bè cùng chơi. Ngoài ra, ba mẹ cũng hãy tham khảo những cách thức dưới đây:

Hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân

Cha mẹ hãy để cho trẻ được tự lập đúng với độ tuổi của mình. Hãy hướng dẫn làm mọi việc chăm sóc cho chính bản thân, phát triển cho trẻ tinh thần chủ động, tự giác. Ngoài ra, cha mẹ có thể giao cho trẻ một số công việc nhà đơn giản và động viên, khích lệ trẻ để trẻ tiếp tục cố gắng.

Đừng ép trẻ phải giao tiếp khi không thoải mái

Cha mẹ đừng ép trẻ phải chào hỏi hay nói chuyện vui vẻ khi trẻ ra ngoài chơi hoặc có người lạ đến nhà. Thay vào đó, cha mẹ hãy để trẻ tự nhiên. Hãy từ từ khích lệ trẻ đến khi trẻ sẵn sàng. Việc thúc ép không những không đem lại hiệu quả mà còn khiến trẻ thêm lo lắng và sợ hãi.

Chủ động gần gũi, giúp trẻ chia sẻ và cởi mởCon mất đi sự tự tin

Để giúp trẻ tự tin, cha mẹ cần chủ động gần gũi trẻ và giúp trẻ cởi mở chia sẻ những khó khăn. Cha mẹ nên tìm hiểu sâu hơn những cảm xúc hoặc suy nghĩ thực đằng sau lời nói, thái độ của trẻ. Ví dụ cha mẹ có thể hỏi thêm vì sao con sợ người khác nhìn, tại sao con lại cảm thấy xấu hổ để từ đó có cách nói chuyện, hướng dẫn con phù hợp.

Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tập thể

Cha mẹ hãy tạo ra những cơ hội để trẻ được trải nghiệm, tiếp xúc, giao lưu với thế giới bên ngoài. Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động, trò chơi tập thể. Cho trẻ tham gia nhiều hơn các lớp ngoại khóa như học đàn, học vẽ, kỹ năng sống…

Phương pháp dạy con đúng và phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và tự tin thể hiện bản thân ở mọi lúc, mọi nơi. Hi vọng qua bài viết này cha mẹ sẽ tránh được những sai lầm không đáng quá và tìm ra phương pháp phù hợp nhất với trẻ. Chúc cha mẹ thành công!

Xem thêm: Dạy trẻ bảo vệ bản thân khi ở nơi công cộng
Xem thêm: Con gái

Call Now Button