“Người ta như một phân số mà tử số là giá trị thật của người ta, còn mẫu số là giá trị mà người ta tưởng tượng rằng mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì phân số bằng không” – đó chính là câu nói về giá trị sống khiêm tốn.
Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, một cách làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách quan tâm đối với mọi người. Đừng quên rằng những người xung quanh ta đều có mặt nào đó giỏi hơn ta. Vậy biểu hiện của người khiêm tốn, lợi ích của giá trị sống khiêm tốn trong cuộc sống của chúng ta là gì, hãy cùng Phương Châu tìm hiểu nhé.
1. Biểu hiện của người khiêm tốn
Người có đức tính khiêm tốn là những người:
- Luôn biết nhường nhị người khác.
- Không bao giờ khoe với mọi người về những thứ mình đang có.
- Có khả năng tự chủ cao, chiến thắng được cái ‘tôi’ bên trong bản thân mình.
- Nhìn nhận đúng khả năng của bản thân mình, khiêm nhường và nhã nhặn.
- Ý thức được bản thân cần phải rèn luyện nhiều hơn và không bằng lòng với những gì mình đang có.
2. Lợi ích của khi chúng ta sống một cách khiêm tốn
- Giúp chúng ta kết thêm được nhiều bạn mới.
- Luôn được mọi người yêu quý và kính trọng.
- Giúp chúng ta sống tự tin và lạc quan.
- Sống có tính kỉ luật, có ý thức, không dựa dẫm vào người khác.
3. Làm thế nào để rèn luyện sự khiêm tốn?
Rèn luyện đức tính khiêm tốn không khó khi mà chúng ta biết
- Biết ơn: Biết ơn đối với chính thầy cô giáo của mình chính là cách để cho bạn thể hiện lòng biết ơn đối với mọi người. Biết ơn chính là cách để bạn nhận ra những thiếu sót của mình, chứ không phải tìm ra lỗi của người khác và chân thực nhìn ra những ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình một cách đúng đắn và khách quan nhất.
- Không so sánh: Con người ai cũng có điểm yếu và điểm mạnh. Vì thế đừng so sánh mình với người khác và cố gắng làm cái gì đó tốt hơn họ, điều này chỉ làm cho bạn thêm tự ti về điểm yếu của mình. Hãy cố gắng giúp đỡ người khác để cho họ cảm thấy bạn đối xử tốt với họ và tỏ ra khiêm tốn khi bạn tiếp xúc với họ.
- Nhận ra khuyết điểm của bản thân: Muốn nhận ra khuyết điểm của bản thân, bạn hãy lắng nghe những sự góp ý cũng như những lời khuyên từ người khác, cố gắng tìm hiểu những điều chưa tốt của bản thân để khắc phục và chia sẻ cách mà bản thân đã chinh phục được mục tiêu để mọi người cùng rèn luyện và thay đổi.
- Khen chân thành: Lời khen chân thành là biểu hiện của lòng biết ơn và sự khiêm tốn.Lời khen chân thành giúp bản thân mình thêm hoàn thiện việc đánh giá đúng giá trị của bản thân mình, hay của người được khen. Không những thế, lời khen chân thành giúp người khác tự tin hơn, được cổ vũ, nâng đỡ và tiếp thêm năng lượng cho họ đối với người được khen.
- Lắng nghe và thấu hiểu: Hãy mở tâm trí và lắng nghe ý kiến của người khác, hãy làm cho bạn can đảm và đừng thay đổi ý kiến của mình về cảm xúc hay vì sợ hãi. Tất cả những gì mình có, có thể mất ngay trong một sớm một chiều. Lắng nghe còn là cách để cho người khác hiểu rằng bạn đang tôn trọng khi nói chuyện với họ.
Hãy sống một cuộc sống khiêm tốn bằng cách biết ơn sự giúp đỡ của mọi người với lòng thành kính. Chăm chỉ học hỏi, trao dồi bản thân, luôn cầu thị sự hiểu biết, không cầu thị sự thể hiện… Tất cả vì sự hoàn thành mục tiêu học tập, vì đó là thước đo giá trị của bản thân mình, không vì sự thỏa mãn, sự thể hiện hay lợi ích cá nhân. Tôi tin tôi và bạn sẽ làm được.
Phóng viên: Đỗ Phương Châu – K73 PP(6-8)