Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn bạo lực học đường và cách khắc phục

Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, không hiếm để chúng ta thấy các clip đánh nhau. Các thông tin bạo lực học đường trong đó có nhiều nhóm học sinh nữ đánh nhau gây rất nhiều bức xúc và dư luận.

Vậy nguyên nhân dẫn đến tệ nạn bạo lực học đường hiện nay là do đâu? Cách khắc phục nào là hiệu quả? Cùng tìm hiểu ở bài viết này nhé!

1. Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn bạo lực học đường

Yếu tố từ học sinh

Có thể nói, bạo lực học đường được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng đầu tiên phải kể đến đó là yếu tố từ bản thân các em học sinh, do sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi nên các em luôn muốn khẳng định mình, dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát và thiếu kiềm chế bản thân.

Yếu tố gia đình

Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, văn hóa gia đình, cách cư xử của người lớn tác động rất nhiều đến hành vi ứng xử của các em. Cha mẹ quá khắt khe, kỳ vọng hoặc dạy dỗ bằng các biện pháp kỷ luật sẽ gây nên áp lực tâm lý cho các em. Khi tư tưởng bị gò bó không giải tỏa được, các em sẽ đem sự ức chế đó bùng nổ ở mối quan hệ khác. Ngược lại, nếu cha mẹ chiều chuộng con quá mức, cho đi mà không đòi hỏi nhận lại cũng làm cho con có tâm lý háo thắng, thích gì được nấy và dễ dàng tụ tập, bị lôi kéo bởi hành vi xấu.

Yếu tố từ nhà trường

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đên bạo lực học đường là từ giáo dục nhà trường. Hiện nay, nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.

Cùng với đó, vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội có phần giảm sút, giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự sâu sát với học trò, một số thầy cô giáo thậm chí còn chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Yếu tố từ xã hội

Có thể nói những mặt trái của sự phát triển xã hội hiện đại đã tác động, cuốn giới trẻ theo lối sống thực dụng, đua đòi, đề cao bản thân và tiếp xúc dễ dàng, thường xuyên với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc ngăn chặn hành vi bạo lực ở giới trẻ cũng như quản lý, giáo dục họ.

2. Giải pháp nào cho tình trạng bạo lực học đường?

Wedo – Wegood nhận thấy để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần có những giải pháp thiết thực, hợp lý và thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Đối với học sinh

Về phía học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Trong lớp, cần tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập. Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.

Đối với gia đình

Đối với gia đình, phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ việc con em mình nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè; cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái, cần đầu tư nhiều thời gian hơn cho con cái, đặc biệt là thời gian chia sẻ, tâm sự với con cái lứa tuổi trung học để có thể biết về các khó khăn của con, đặc biệt là các nguy cơ bị bạo lực học đường. Đặc biệt tránh sự chiều chuộng, nghĩ hộ hay tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo cho con tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, hưởng thụ và thiếu kỹ năng giải quyết tình huống thực tế.

Đối với nhà trường 

Với nhà trường, cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực.

Ngoài ra nhà trường cũng cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường. Ở môi trường trường học, nhà trường cần tạo thêm nhiều sân chơi, tạo nhiều cơ hội giao lưu lớp, khối, nhóm, giới tính… để các em có cơ hội yêu thương và chia sẻ. Ngoài ra, thông qua các cuộc thi, trẻ có cơ hội để khẳng định niềm đam mê, ưu điểm của bản thân.

Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần thắt chặt kiểm soát những thông tin, nội dung đăng tải trên Internet, những phim ảnh và trò chơi lưu hành ngoài thị trường, những hội nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ. Chính quyền địa phương cần chủ động làm trong sạch môi trường xã hội xung quanh các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng như phát huy vai trò của các ban ngành, tổ chức, đoàn thể tại chỗ trong phối hợp với nhà trường và gia đình quản lý và giáo dục học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Rõ ràng, bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng ai, hay tổ chức nào mà là vấn đề của toàn xã hội. Vậy nên, rất cần sự chung tay phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội với nhiều giải pháp thì mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này một cách hiệu quả.

Call Now Button