Cha mẹ gắn bó với con cái trong từng bước đường của cuộc sống. Trong quá trình sống, gắn bó, trao và nhận tình yêu thương che chở của gia đình, mỗi người lại hoàn thiện mình, hoàn thiện nhân cách cho bản thân. Các nhà xã hội học đã coi gia đình là nơi đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nhân cách con người. Giáo dục gia đình có vai trò quan trọng đến quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ em.
Trước hết, bố mẹ chính là người tạo ra môi trường giáo dục đầu tiên cho con, gia đình là trường học đầu tiên của con người. Mỗi con người đều được sinh ra từ một người cha, người mẹ, trẻ là người gắn bó và lắng nghe được những âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ cha mẹ mình. Giáo dục của gia đình như thế nào sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ như thế ấy.
Sự giáo dục của gia đình không tốt thì nhân cách đứa trẻ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng hoặc có điều khiếm khuyết. Giáo dục gia đình rất quan trọng đối với mỗi con người, khi con người chưa có hiểu biết về mình, về xã hội thì môi trường giáo dục đầu tiên, trường học đầu tiên ấy là gia đình.
Nếu giáo dục nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, thì trong gia đình, việc dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Do bị chi phối bởi tình yêu thương, đôi khi giáo dục trong gia đình bị hạn chế, bởi ở độ tuổi nào, con cái vẫn bị bố mẹ coi còn bé bỏng. Vì thế, các bậc phụ huynh phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn.
Hãy là những người mẹ, người cha, người thầy, người cô và là những người bạn tốt nhất của con mình. Mỗi ngày, cha mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10 – 15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Bên cạnh việc dành thời gian trò chuyện cùng con, các bậc cha mẹ cũng phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành.
Gia đình có mối quan hệ mật thiết với xã hội, là tế bào của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Giáo dục con trong gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ.
Trong thời đại đầy đủ tiện nghi vật chất ngày nay, nhiều trẻ bị cuốn vào nhịp sống nhanh với Internet, game online, những tệ nạn xã hội….Hơn ai hết, các em rất cần sự bảo ban, dạy dỗ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của các bậc làm cha, làm mẹ.
Vai trò của cha mẹ trong việc định hướng cho con em mình động cơ học tập đúng đắn cũng sẽ trở thành một trong những yếu tố tích cực nhất giúp trẻ thành công ngay từ khi mới ngồi trên ghế nhà trường. Niềm tin, sự tôn trọng, sự động viên khích lệ và sự hiểu biết… của cha mẹ đối với con cái trong học tập cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là những công cụ hữu ích giúp trẻ nhằm giúp trẻ hình thành và phát triển trí thông minh.
Trong xã hội truyền thống, gia đình có vai trò gần như tuyệt đối trong việc giáo dục trẻ đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi nhỏ. Ngày nay, mặc dù có những tác động to lớn của các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường học và các đoàn thể nhưng gia đình vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục và phát triển trí thông minh ở trẻ em.
Cha mẹ giữ vai trò quyết định trong việc cung cấp và tạo điều kiện cung cấp những tri thức khoa học cũng như thực tiễn cho trẻ cả về số lượng và chất lượng. Gia đình là chiếc nôi ươm trồng và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách cho trẻ em. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ học vấn, vào khả năng kinh tế, vào việc họ tiếp thu nền văn hoá nhân loại như thế nào và quan niệm chung của họ về thang giá trị đạo đức, văn hoá, lối sống.