Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề như thế nào?

Giải quyết vấn đề là một kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống. Dù là ai hay ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều có thể đối mặt với những trở ngại đến từ mọi tình huống trong cuộc sống. Và chúng ta đừng nghĩ trẻ em không phải trải qua những điều đó.

Càng lớn, trẻ càng có nhiều vấn đề mà bản thân trẻ phải biết tự xoay sở, cha mẹ sẽ không thể thường xuyên ở bên bao bọc hay giúp đỡ. Đơn giản như việc làm thế nào để buộc được dây giày để không bị tuột và vấp ngã; làm thế nào để ăn được chiếc kem này mà không bị dây bẩn ra áo; hay làm thế nào để lấy được chiếc bánh ở độ cao kia… Tất cả những điều tưởng như nhỏ nhặt đó lại cần phải rèn luyện. Khi trẻ biết cách xác định mục tiêu, vấn đề và thiên hướng giải quyết cho những sự việc đơn giản thì dần dần trẻ sẽ có được kỹ năng xử lý được những vấn đề lớn hơn trong tương lai. Những đứa trẻ như vậy sẽ rất dễ thành công trong cuộc sống và cái người ta gọi là “khả năng sinh tồn” sẽ cao hơn hẳn so với những đứa trẻ luôn phụ thuộc vào cha mẹ.

>>>Xem thêm: Khóa học kỹ năng sống toàn diện cha mẹ tham khảo XEM THÊM TẠI ĐÂY. 

Xác định vấn đề cần giải quyết

Đây là bước đầu tiên và cơ bản nhất trong quá trình giải quyết vấn đề. Đối với trẻ nhỏ, bước này khá khó khăn và tốn nhiều thời gian. Do đó, để giúp con không nản chí và đạt được hiệu quả lâu dài, cha mẹ hãy cùng giúp trẻ xem xét và phân tích vấn đề hiện tại là gì. Ở bước này, cha mẹ cần trò chuyện và lắng nghe con thật nhiều sau đó giải thích cho trẻ hiểu khó khăn trẻ đang gặp phải là gì? Điều đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ hay không?

Có một vài câu hỏi mà các bố mẹ có thể tham khảo

“Có chuyện gì không ổn sao?”, “Vì sao con thấy chán nản vậy?”, “Con đã thử chưa?”

“Con sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?”, “Nếu giải quyết vấn đề theo cách này thì chuyện gì sẽ xảy ra?”

“Nếu con bỏ mặc vấn đề, khó khăn ở đấy thì chuyện gì sẽ xảy ra?”

Trẻ học theo những gì chúng thấy chứ không học theo những gì chúng nghe.

Các bố mẹ luôn nhớ rằng nếu muốn dạy trẻ cách giải quyết vấn đề cần phải cho chúng biết phải làm thế nào. Khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, trẻ sẽ nhớ những gì bạn thể hiện.

Nếu bạn nói với con rằng cần phải giữ bình tĩnh trong mọi tình huống phát sinh, hãy đảm bảo bạn phải chứng minh điều đó. Nếu chính bạn còn bị rối loạn thì bọn trẻ sẽ coi đó là phản ứng thông thường khi đối mặt với tình huống. Phải cho trẻ thấy rằng bản thân bạn đã vượt qua khó khăn như thế nào, như vậy chúng sẽ học theo và hình thành cách ứng xử tốt với những khó khăn, thử thách.

Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề

Muốn tìm được giải pháp để khắc phục vấn đề hãy dạy trẻ cách tìm ra nguyên nhân nảy sinh vấn đề đó. Trong mỗi tình huống bạn nên cho trẻ lật ngược lại vấn đề, xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, trong đầu cần có những câu hỏi như “Vấn đề sai ở đâu, nguyên nhân do đâu?”.., để tìm ra nguyên nhân, tránh bỏ sót nguyên nhân quan trọng ẩn bên trong mà trẻ không nhận ra dẫn đến đưa ra những giải pháp sai lầm.

Đưa ra những giải pháp

Sau khi trẻ đã tìm hiểu được nguyên nhân cũng như phân tích vấn đề thì điều quan trọng bạn phải làm tiếp theo đó chính là dạy trẻ đưa ra những giải pháp và chọn giải pháp khả thi. Hãy nói với trẻ răng “con tìm ra được càng nhiều giải pháp các tốt và hãy thử các giải pháp kể cả khi chúng có kỳ quặc đi chăng nữa vì có thể chính sự kỳ quặc ấy lại đem đến cho con kết quả đáng mong đợi thì sao”. Không có giải pháp nào là kém hiệu quả hết, thực tế đã chỉ ra rằng rất nhiều giải pháp thành công đều bắt nguồn từ chính những ý tưởng tưởng chừng như điên rồ. Vì vậy hãy tạo cho trẻ thói quen càng đưa ra nhiều giải pháp càng tốt

Để hình thành thói quen đưa ra những giải pháp và kỹ năng giải quyết vấn đề bạn có thể định hướng cho trẻ bằng cách đưa ra những câu hỏi ở dạng: “Con nghĩ con cần làm gì khi bạn giận con?”; “Làm sao để con mở được cái hộp này?”, …, con bạn sẽ học được cách động não và tư duy để tìm ra 2 đến 3 giải pháp. Sau đó, bạn hãy đánh giá và cùng trẻ chọn ra giải pháp tối ưu nhất.

Ngoài ra bạn có thể cho trẻ đọc sách hoặc xem những bộ phim thiếu nhi mà các nhân vật chính phải đối diện với những mâu thuẫn, sau đó, hãy cùng trẻ suy nghĩ để tìm ra lời giải tốt nhất. Dần dần, trẻ sẽ có thêm nhiều ý tưởng và biết cách tận dụng hết những nguồn lực có sẵn để vận dụng tốt trong kỹ năng giải quyết vấn đề.

Kiểm tra và phản hồi

Hãy cho trẻ hình thành thói quen kiểm tra kết quả mà trẻ có được sau khi thực hiện giải pháp của mình và nhận định cảm xúc của con bằng cách trả lời các câu hỏi như: “Liệu rằng con có thật sự ổn?”; “Con có cảm thấy nhẹ nhõm và dễ chịu hơn không?”… Nếu trẻ làm tốt, cha mẹ đừng tiếc lời khen ngợi và cho trẻ những phản hồi những gợi ý cho trẻ tích lũy được kinh nghiệm trong những trường hợp sau.

Một số hoạt động giúp trẻ hình thành kỹ năng tự giải quyết vấn đề

Xử lý các tình huống trên bảng thông minh

Bảng thông minh sẽ đưa ra một tình huống bất kỳ và sẽ đưa ra những bức tranh để trẻ lựa chọn cách giải quyết theo trẻ là phù hợp nhất.  Hoặc khó hơn một chút, Bảng sẽ đưa ra những câu hỏi tình huống và trẻ sẽ phải tự suy nghĩ xem sẽ phải làm thế nào theo cách nghĩ riêng của mình mà không có sự lựa chọn sẵn.

Đóng kịch

Bố mẹ sẽ đưa ra một tình huống và trẻ sẽ được hóa thân vào các nhân vật, được tự do tư duy và suy nghĩ cách giải quyết vấn đề sao cho hợp lý nhất. Ví dụ: bác nông dân có một vườn ngô và các chú chuột đang ăn rau trong vườn; trẻ sẽ được nhập vai vào bác nông dân để nghĩ xem làm thế nào để thỏ không vào được vườn rau nữa; và ngược lại, trẻ được hóa thân vào những chú chuột để nghĩ cách vào lại vườn sau khi bác nông dân đã có biện pháp ngăn cản.

Hoạt động nhóm

Trong mỗi buổi hoạt động, quản trò sẽ đưa ra các yêu cầu liên quan đến những chủ đề khác nhau và sẽ phân chia thành các nhóm nhỏ. Kỹ năng giải quyết vấn đề được rèn luyện khi các bạn nhỏ cùng bàn nhau cách làm thế nào để giải quyết bài tập người quản trò giao; đồng thời làm thế nào để thống nhất được ý kiến với nhau khi các cá nhân nảy sinh xung đột. Hoạt động này thích hợp khi thực hiện ở trên lớp hay khi trẻ có nhiều bạn đến nhà chơi.

Làm các sản phẩm handmade

Các cha mẹ có thể cùng trẻ làm những sản phẩm handmade từ những đồ phế thải trong gia đình, điều này sẽ giúp trẻ rèn luyện tính cẩn thận, kiên trì, tỉ mỷ, tăng cường khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Ngoài ra cũng giúp trẻ biết cách giải quyết vấn đề khi phải tìm cách sử dụng hợp lý các nguyên vật liệu để cho ra được một sản phẩm hoàn chỉnh theo yêu cầu của bố mẹ.

Hãy nhớ rằng để trẻ có thể tự lập giải quyết vấn đề sau này, cha mẹ chỉ là người hướng dẫn và định hướng chứ không phải là người giúp trẻ xử lý tất cả các tình huống. Kỹ năng giải quyết vấn để đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm từ phía cha mẹ. Cha mẹ nào cũng thương trẻ nhưng đừng vì những khó khăn của trẻ mà mềm lòng. Hãy kiên quyết và cho trẻ tự mình giải quyết các vấn đề của mình.

Những lợi ích và bài học tuyệt vời từ kỹ năng giải quyết vấn đề mang lại cho trẻ là một phong thái tự tin, một lối sống độc lập, một tinh thần trách nhiệm và một ý chí vững vàng trước những khó khăn của cuộc sống.

Call Now Button