Khi con bước vào tuổi dạy thì

Tâm sự của một người mẹ đang cảm thấy bất lực khi con bước vào tuổi dạy thì. Cái tuổi nổi loạn với cái tôi quá lớn.

 Chàng trai của mẹ!

Có lẽ lúc này con vẫn còn đang ấm ức, khó chịu lắm đúng không ? Mẹ con mình vừa trải qua một cuộc xung đột không đến hồi kết. Mẹ cũng đang cảm thấy ấm ức, khó chịu lắm con trai à.

Con trai mẹ đã lớn, con không còn là cậu bé xà vào lòng mẹ khóc nức nở khi bị ấm ức, khó chịu. Cũng chẳng còn là cậu bé luôn miệng bắt mẹ kể chuyện, đưa ra những lời khuyên cho những câu chuyện trên trời, dưới bể nữa….Con trai của mẹ giờ đây bản lĩnh hơn, độc lập hơn và cả xa cách hơn.

Con bước vào tuổi dạy thì con dường như đã tự mình đón nhận những biến cố xảy ra với mình. Không còn sự sẻ chia, cũng không cần đến những lời tư vấn, gợi ý của bố mẹ… con gặm nhấm và giải quyết vấn đề đó một mình. Dù có thể, với mọi người cách giải quyết của con chưa thực sự đúng hướng.

Con biết không ? Mẹ đã chuẩn bị cái ngày con rời xa vòng tay của bố mẹ từ 13 năm trước. Mẹ đã đọc rất nhiều sách, tham gia rất nhiều khóa học đồng hành cùng con. Mẹ cảm thấy dường như mẹ đã đủ kiến thức để sẵn sàng cùng con khi con bước vào tuổi dậy thì.

 

Nhưng….không con ạ! Thực tế quá khác với những gì mẹ đã được học, được tưởng tượng, thậm chí là trải nghiệm qua tuổi thơ của mẹ. Mẹ của hiện tại bản năng vẫn đang chiến thắng bản lĩnh. Mẹ nghĩ rằng mình cần phải bắt đầu lại từ đầu!

Và bước đầu tiên của hành trình này, mẹ nghĩ rằng mẹ sẽ phải chia sẻ toàn bộ cảm xúc của mẹ về những vấn đề gần đây để mẹ con ta hiểu nhau hơn, lắng nghe nhau hơn. Chúng ta hãy cùng thẳng thắn con trai nhé!

Con à! Con vốn là niềm tự hào, sự kiêu hãnh của mẹ, bởi con không chỉ là 1 cậu bé thông minh, nhanh nhẹn mà sau các khóa học KNS, con càng trở nên tự giác, chủ động và đầy trách nhiệm. Con lễ phép, lịch sự với những người xung quanh, chủ động chia sẻ, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Hình ảnh của con khiến bao đồng nghiệp của bố mẹ phải ngưỡng mộ vì cách tương tác, đồng hành của bố mẹ cùng con.

Rồi mọi thứ dường như rẽ sang một ngã rẽ mới – khi con bước vào tuổi dạy thì, khi cái tôi của con ngày càng lớn.

 

Như con thấy, mẹ thực sự dường như phát điên mỗi lần nhận được tin nhắn từ cô giáo của con. Bởi những gì cô phản ánh không phải là kết quả học tập của con mà chỉ là những vấn đề vô cùng nhỏ nhặt nhưng ngày nào con cũng mắc phải.

Mẹ biết, tuổi học trò không tránh khỏi việc các con nghịch ngợm, chơi đùa rồi đôi lúc vi phạm nội qui nhà trường. Vài ba lần ngồi “sổ đen” là trải nghiệm mà ai cũng phải trải qua trong tuổi học trò của mình. Mẹ cũng đã từng trải qua nên mới đầu khi tiếp nhận những thông tin đó, mẹ đã rất bình tĩnh. Chúng ta cũng đã phân tích, cũng đã thảo luận, cũng đưa cam kết về việc thực hiện nguyên tắc khi đi học. Nhưng rồi, mọi chuyện không những không dừng lại mà còn lặp lại với mức độ dày đặc hơn. Con vi phạm nhiều hơn, phản kháng nhiều hơn và mẹ cũng nhận nhiều hơn những tin nhắn từ phía cô.

 

Đỉnh điểm của chuỗi các những hành vi này, bố mẹ đã phải lên gặp cô giáo chủ nhiệm về quyết định chuyển trường cho con. Hay nói một cách thẳng thắn hơn là con buộc phải chuyển trường vì đã làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp.

Mẹ thực sự đã cảm thấy sốc và cảm thấy bất lực, không cam tâm vì con buộc phải chuyển trường không phải vì con kém, không theo được các bạn mà là con tái phạm rất nhiều lỗi trong việc thực hiện nguyên tắc: nói chuyện riêng trong giờ, không ngủ trưa, không hoàn thành bài về nhà, trêu bạn…Những vấn đề mà mẹ nghĩ con hoàn toàn có thể kiểm soát được để không bị hạ hạnh kiểm đến mức bị đình chỉ học.

Mẹ biết, khi nhận được những quyết định này con cũng cảm thấy không phục. Chính sự không phục đó của con khiến con trở nên bướng bỉnh hơn, phản kháng hơn. Con không nhìn nhận vấn đề của mình mà chỉ cho rằng thầy cô đang không đối xử đúng với con. Các bạn cũng nghịch như con nhưng các bạn không bị hạ hạnh kiểm, đình chỉ học còn con thì bị.

Nhưng con trai à, cái thể hiện, cái khẳng định bản thân bằng việc tiếp tục phản kháng, tiếp tục các hành vi vi phạm nội quy như một lời khiêu chiến của con chỉ khiến bản thân con chịu tổn thưởng. Bởi suy cho cùng, bước đi này của con chưa thực sự chuẩn xác.

Mẹ không đổ toàn bộ lỗi cho con và đương nhiên, mẹ không có bất kỳ luận điểm nào phù hợp để phản biện lại cô giáo của con. Con hãy thử một lần bình tĩnh để suy nghĩ vấn đề đó đang nằm ở đâu ? Hành động đó của con đã có sự tôn trọng giáo viên của mình hay có công bằng cho những người bạn của con khi vì con mà tiết học, giờ học của bạn bị đứt quãng ?

Con là một chàng trai thông minh, mẹ tin con hiểu thậm chí hiểu rất rõ những gì mẹ nói. Nhưng có lẽ, những thách thức thể hiện cái tôi, bản thân của con đang quá lớn mà thôi.

Thể hiện bản thân không xấu, nhưng con hãy lựa chọn đúng đường đi để được ghi nhận và đón nhận sự tôn trọng, yêu thương của tất cả mọi người con nhé.

Mẹ tin, với bản lĩnh của con, con nhất định sẽ làm được. Cố lên nhé, chàng trai của mẹ!

Khi con bước vào tuổi dạy thì

Xem thêm: Tìm lớp trại hè cho con như thế nào cho hiệu quả

Xem thêm: Nuôi dạy con cái

 

 

Call Now Button