Nguyên nhân trẻ bất hợp tác cùng cha mẹ

“Chống đối, bất hợp tác là cách trẻ mẫu giáo khẳng định bản thân” – một giáo sư tâm lý học từng nói. Sự chống đối hình thành khi trẻ từ chối rời khỏi nhà để tới trường, trẻ làm ngơ trước những yêu cầu thu dọn đồ chơi của cha mẹ,…Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo ít dựa dẫm vào cha mẹ hơn so với trước đó, trẻ bắt đầu hình thành tính cách mạnh mẽ và vững vàng hơn.

>>>Xem thêm: Khóa học kỹ năng sống toàn diện cha mẹ tham khảo XEM THÊM TẠI ĐÂY.   

Trước tiên, những biểu hiện thường thấy ở trẻ khi xuất hiện sự chống đối đó là:

– Tiêu cực: Tiêu cực: Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.

– Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thỏa mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.

– Ngang ngạnh: Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.

– Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó.

– Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.

– Chống đối – nổi loạn, bất hợp tác: Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ “tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn”.

– Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.

– Tâm trạng cáu kỉnh, thường xuyên mất bình tĩnh: Trẻ kiên quyết và chủ động từ chối nghe theo các quy tắc hay những hướng dẫn được đưa ra.

– Trốn tránh trách nhiệm: Trẻ thường cố tình làm phiền người khác, đổi lỗi cho người khác về lỗi lầm của mình gây ra

– Có hành vi hằn học bất hợp tác, trả thù: Trẻ dễ nổi giận, để bụng và luôn muốn “trả thù” những ai đã làm mình phật lòng.

Vậy nguyên nhân của những biểu hiện trên xuất phát từ đâu? Cha mẹ nên khuyến khích con nói ra lý do tại sao con lại có phản ứng như thế, tuy việc này cần làm hết sức khéo léo, tránh sự áp đặt vì dễ làm nảy sinh tâm lý phản kháng, bất cần. Một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến trẻ chống đối đó là:

Cha mẹ quản lý con quá chặt khiến con bất hợp tác

Trong quản lí, giáo dục con, cha mẹ quá nghiêm khắc, gò con vào một khuôn mẫu nhất định, ắt hẳn “tức nước” sẽ “vỡ bờ”. Vì khả năng kiềm chế bản thân của trẻ còn yếu, trẻ sẽ phản ứng một cách bột phát. Cùng với sự trưởng thành về nhân cách, ý thức tự lập của trẻ ngày càng thể hiện rõ nét. Nếu cha mẹ không để ý đến những thay đổi này mà vẫn coi con mình là một đứa trẻ ngây thơ, dễ bảo cần phải che chở, quản thúc thì có thể ảnh hưởng không tốt đến sự hoàn thiện nhân cách của trẻ.

Phương pháp giáo dục chưa hợp lý

Không có bậc cha mẹ nào lại không yêu thương con mình, nhưng thực tế, không ít bậc phụ huynh đã lạm dụng phương pháp đòn roi trong giáo dục với suy nghĩ “yêu cho roi cho vọt” tạo tiền đề chống đối sau này khiến trẻ bất hợp tác.

Chính cách giáo dục này đã gieo mầm bạo lực trong suy nghĩ non nớt của trẻ. Chúng còn nhầm tưởng rằng chỉ cần động thủ là có thể giải quyết mọi công việc.

Cha mẹ quá nuông chiều con

Ngược lại với kiểu phụ huynh hà khắc là phụ huynh quá bao bọc, nuông chiều con.

Điều này khiến chúng dù lớn về mặt thể xác nhưng thiếu mất khả năng và ý thức tự lập, thiếu mất đi những phẩm chất tâm lý đáng quý cần cù, tự tin, chịu khó, sáng tạo…

Có bậc cha mẹ còn dùng lời lẽ cầu xin để dạy bảo con, lâu dần khiến trẻ trở thành “bá chủ” trong gia đình, không biết tôn trọng ai.

Cha mẹ kỳ vọng vào con quá cao

Các bậc phụ huynh thường có những kỳ vọng tốt đẹp đối với con mình. Họ hy vọng con sẽ giỏi hơn mình về mọi mặt, mong ước con trở thành nhân tài xuất chúng. Để biến ước mơ này thành hiện thực, không ít bậc cha mẹ đã đưa ra yêu cầu quá nhiều, quản lý con quá chặt chẽ, thực hiện biện pháp giáo dục con nghiêm khắc.

Nhưng lâu dần trẻ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, bất mãn chính với đấng sinh thành của mình nên cố chấp không chịu theo con đường mà cha mẹ mong đợi.

Những nguyên nhân trên từ phía cha mẹ đã khiến trẻ nảy sinh tâm lý phản kháng hết sức nghiêm trọng, không chịu nói chuyện, hợp tác với cha mẹ, không còn hứng thú học tập, mất cảm giác tự tin đối với bản thân trước xã hội.

Vì vậy, cha mẹ cần chú ý theo dõi con trẻ nhằm xác định rõ tình trạng cũng như đưa ra cách giải quyết phù hợp.

 

Call Now Button