Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái

Trong xã hội hiện đại có rất nhiều tình huống giữa cha mẹ và con cái, nhất là khi con bước vào tuổi dậy thì. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng không biết làm gì khi tính nết của con thay đổi, khi con không nghe lời cha mẹ hay cãi lời cha mẹ. Để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái nên chú ý một số điều sau đây:

1. Kiềm chế cảm xúc không nên thể hiện sự tức giận

Trong cuộc sống hằng ngày việc con cái không nghe lời, không làm theo ý của cha mẹ là rất thường xuyên. Rất nhiều trường hợp cha mẹ thể hiện sự thất vọng, giận giữ khi con cái không nghe lời. Nhưng điều đó không nên chút nào, những hành động như vậy chỉ làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng hơn.

Tuyệt đối không sử dụng các biện pháp như đánh đòn, trừng phạt, quát mắng, ép buộc con cái vì nó chỉ gây ra phản ứng ngược và con cái trở nên ương bướng và lì lợm hơn. Không kiểm soát được cảm xúc bố mẹ sẽ bị mất kiểm soát và dẫn đến “ Giận mất khôn” . Nhẹ nhàng khuyên bảo và dùng biện pháp hòa bình sẽ làm dịu nhẹ mối quan hệ của cả cha mẹ và con cái đồng thời nó cũng tác động tích cực đến tính cách của con bạn.

Thay bằng các câu dán nhãn cho con như : “Sao con hư thế”, “Bố mẹ thật xấu hổ vì có đứa con như mày” hãy sử dụng những câu nói động viên khích lệ, cổ vũ con “Con có thể thay đổi được mà”, “Mẹ tin con sẽ làm được” … để con có động lực thể hiện bản thân.

Trong  các trường hợp con cái không nghe lời hãy bình tĩnh, thử đặt mình vào địa vị của con để nghĩ cho con, tìm hiểu nguyên nhân để có thể hiểu và thông cảm với con, phân tích chỉ dẫn một cách nhẹ nhàng cho con khuyến khích con làm một cái gì đó mang lại hiệu quả tích cực. “Lạt mềm buộc chặt”, thể hiện tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng sẽ khiến con cái lắng nghe cha mẹ nhiều hơn.

2. Khuyến khích con phát triển bản thân

Nhiều bố mẹ nghĩ chọn cho con một lối đi sẵn là tốt nhất với con cái của họ nhưng trên thực tế thì không phải như vậy, mỗi đứa trẻ con đều có quyền lựa chọn sở thích đam mê cho chính mình, khi bị ép buộc chúng sẽ gồng mình lên để chống đối hay chỉ làm theo vì bị ép buộc mà không cố gắng hết sức mình. Chính vì vậy thay vì ép buộc con hãy khuyến khích con phát huy khả năng và trí tuệ của mình vào lĩnh vực mà con đam mê, yêu thích.

Bố mẹ có thể dùng quyền làm cha mẹ để khéo hướng dẫn, chỉ đường giúp các con hiểu được đúng sai, nên không nên. Khéo léo với con thậm chí cả thương lượng với con cái để con làm theo và ủng hộ lời khuyên của cha mẹ.

3. Để con tự lập

Không để con phát triển tự nhiên rồi thành tự do, để những thói hư tật xấu, lối sống tiêu cực hình thành lúc nào không hay. Hãy cho con phát triển tự chủ, thoải mái theo ý con nhưng vẫn phải nằm trong những nguyên tắc nhất định. Dạy con biết chịu trách nhiệm với những việc làm của bản thân và với những chuẩn mực của xã hội.

Quản lý con cái quá chặt chẽ con sẽ nghĩ con đang bị giam lỏng và có thái độ kháng cự. Cha mẹ cần định hướng cho con về môi trường sống, đối tượng giao lưu, sách báo con cần đọc…..để con cái có thể miễn nhiễm với những thói xấu và sự cám dỗ, những điều bất toàn trong xã hội phức tạp ngày nay.

4. Làm bạn với con

Con cái thời nay tiếp xúc với công nghệ thông tin, hiểu biết và nhạy cảm hơn. Chính vì vậy cha mẹ cần giúp con tiếp cận với những môi trường đó một cách lành mạnh, biết tận dụng và làm chủ cuộc sống bằng cách sáng tạo và khám phá. Hãy thử đặt mình vào địa vị của con, thử nghe nhạc con thích, đọc các trang mạng mà con hay tìm hiểu…đọc các blog tuổi trẻ cha mẹ sẽ dần dần hiểu được và thông cảm cho con, thử cùng bàn tán sôi nổi về một trường hợp nào đó để con thấy cha mẹ cũng không có nhiều sự khác biệt. Để con thấy bố mẹ có thể là nơi con có thể tâm sự, cũng như chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Hãy là điểm tựa vững chắc cho con cái chứ không phải đơn thuần chỉ là cha mẹ.

Để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ cần thay đổi từ chính mình. Thay vì nghĩ con hư vì con không nghe lời hãy nghĩ rằng con mình rất cá tính. Thay vì tức giận sẽ làm cho cả bản thân bố mẹ đau khổ và mối quan hệ của cha mẹ và con cái căng thẳng thêm hãy thông cảm và thể hiện tình yêu thương với con cái nhiều hơn. Hãy chuyển từ trách nhiệm làm cha mẹ sang tình yêu thương và giúp con vượt qua cũng như thay đổi khắc phục những nhược điểm của chính bản thân mình, giúp con nỗ lực và hoàn thiện bản thân hơn.

ĐĂNG KÝ TEST TÍNH CÁCH MIỄN PHÍ CHO CON

Call Now Button