Người ta thường nói: Chỉ cần tự tin là giành được 50% thành công. Tự tin là điều hết sức cần thiết để có thể thành công trong cuộc sống, sự nghiệp. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể luôn đạt được sự tự tin cần thiết trong nhiều tình huống. Do đó tự tin là một trong những yếu kỹ năng quan trọng mà cách bậc phụ huynh cần từng bước xây dựng cho trẻ từ khi còn nhỏ tuổi. Sự tự tin sẽ giúp trẻ dám nỗ lực, không ngại thử thách; trẻ tự tin sẽ có khả năng sống độc lập, hòa nhập xã hội tốt và dễ thành công hơn trong cuộc sống. Vậy tự tin là gì? Làm thế nào để giúp con bạn tự tin hơn?
Tự tin là gì?
Tự tin là hoàn toàn tin tưởng vào bản thân, là nhận thức và nắm rõ được bản thân mình, chứ không có nghĩa là tin tưởng bản thân một cách mù quáng. Thiếu tự tin là hệ quả của việc đánh giá thấp bản thân, điều này khiến con người không thể phát huy được những khả năng tiềm ẩn. Mất tự tin làm chúng ta nhụt chí, không dám nỗ lực, ngại thử thách, tự ti với bản thân và sống khép mình với xã hội.
Phương pháp giúp trẻ tự tin hơn?
1. Giúp trẻ phát hiện ra những ưu điểm của bản thân
Phụ huynh hãy cho trẻ suy nghĩ và liệt kê ra những ưu điểm trẻ tự nhận thấy ở bản thân. Sau đó, cùng trẻ phân loại những ưu điểm đó. Ví dụ, sở trường của trẻ là gì? Trẻ đã làm được gì để tự phục vụ bản thân? Trẻ đã làm những việc gì giúp bố mẹ (bạn bè, người khác)? Trẻ đã từng được khen ngợi về điều gì? Những thành tích mà trẻ đã đạt được là gì?…
2. Cho trẻ rèn luyện một số sở thích
Mỗi đứa trẻ đều có những tài năng đặc biệt của riêng mình. Do vậy, nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi để cho trẻ phát huy hết tài năng của mình. Tìm xem trong những ưu điểm, sở thích của trẻ về một lĩnh vực nào đó để rèn luyện phát triển và biến điều đó thành sở trường riêng của bản thân. Phụ huynh không nên đặt áp lực rèn luyện trẻ để thành một chuyên gia mà hãy biến những ưu điểm, sở thích của trẻ thành những đam mê, hăng say thực hiện sở trường riêng của trẻ. Ví dụ: đánh đàn ghita, làm thơ, kể chuyện, làm bánh, chơi cờ, bơi lội, nhớ tên những bộ phim đã từng xem… Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các trò chơi mà trẻ yêu thích và cùng tranh tài với những đứa trẻ khác. Trẻ sẽ ý thức được những mục tiêu phấn đấu đã đề ra, qua đó trẻ sẽ tự hào về những gì mình đạt được.
3. Dạy con tự lập
Các bậc phụ huynh thường quá yêu thương con và không bao giờ để trẻ tự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định một vấn đề gì đó. Phụ huynh luôn luôn giúp đỡ con trẻ giải quyết các vấn đề mà không biết rằng, điều này thực sự có thể làm hư trẻ và khiến chúng luôn luôn phụ thuộc vào bố mẹ. Nếu phụ huynh liên tục nói với trẻ nên làm gì và làm thế nào thì chúng sẽ luôn thực hiện theo những đề nghị của bố mẹ và không có sự lựa chọn của bản thân. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thụ động và thiếu khả năng sáng tạo. Tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng với trẻ trong một xã hội luôn biến đổi. Vì vậy, phụ huynh cũng nên tôn trọng các quyết định của trẻ, đồng thời dạy thêm cho trẻ những “kỹ năng mềm” để hợp tác với người khác giúp trẻ tự tin trong mọi tình huống.
4. Để trẻ tự do khám phá
Hầu hết các bậc phụ huynh đều có xu hướng muốn bảo vệ con cái như một bản năng. Nhưng đôi khi việc cho phép trẻ tận hưởng cảm giác tự do sẽ đem lại những trải nghiệm kỳ diệu. Tự do trải nghiệm thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ khám phá bản thân, học hỏi những kỹ năng mới và tự hào khi trẻ đạt được thành quả. Tất nhiên, tự do phải trong khuôn khổ và phụ huynh có thể kiểm soát được. Phụ huynh có thể quan sát từ xa, động viên, hướng dẫn khi cần thiết đồng thời cũng nên để trẻ tự lựa chọn và quyết định. Điều này rất quan trọng đối với quá trình phát triển và nâng cao sự tự tin của trẻ.
5. Dạy trẻ luôn lạc quan
Nếu trẻ hay cảm thấy thất vọng về các vấn đề trong cuộc sống, các bậc phụ huynh nên hướng trẻ đến những suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn. Hãy khuyến khích trẻ nghĩ những cách cụ thể để cải thiện một tình huống nào đó và giúp trẻ đạt tới gần mục tiêu hơn. Ví dụ như nếu trẻ kém hơn các bạn cùng lớp về khả năng đọc, hãy giải thích rằng mỗi người có tốc độ học khác nhau và dành thêm thời gian để tập đọc cùng trẻ.
Có thể trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của từ khen ngợi nhưng trẻ thường thích bắt chước âm điệu và cử chỉ nét mặt của bố mẹ. Động viên trẻ cũng là cách dạy trẻ biết yêu bản thân và củng cố lòng tự tin cho trẻ. Phụ huynh hãy khen ngợi, động viên, khuyến khích trẻ có thể những món quà nhỏ ý nghĩa, đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái ôm ấm áp hay một câu nói yêu thương, vui vẻ: “Con tuyệt lắm. Bố mẹ yêu con” khi trẻ: Học tốt, đạt được kết quả cao, giúp ba mẹ làm các công việc nhà, biết giúp đỡ, chia sẻ với người khác… Lời khen có tác dụng làm tăng sự tự tin của trẻ nhưng chỉ thực sự ý nghĩa khi trẻ đạt được thành công cụ thể. Sử dụng sự khen ngợi phải đúng thời điểm, không nên sử dụng quá nhiều sẽ làm mất ý nghĩa đối với trẻ.
Hi vọng những “phương pháp giúp trẻ tự tin” trên đây sẽ giúp ích cho bạn!